MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khi cổ đông nhà nước rút khỏi VIID

CAO SƠN LDO | 28/11/2022 10:10

Chi ra hơn 390 tỉ đồng để “ôm” trọn lô cổ phần tại Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIID), một nhà đầu tư cá nhân trong nước đã trở thành cổ đông lớn, thay thế cổ đông nhà nước là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Thời gian gần đây, SCIC liên tục thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp bất động sản. Ảnh: SCIC
Bộ Tài chính thông tin, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa tổ chức thành công một đợt đấu giá lô cổ phiếu 19,5 triệu đơn vị của VIID. Đây là toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của SCIC, tương ứng tỉ lệ sở hữu 47,63% vốn điều lệ thực góp. Kết quả, một cá nhân đã trúng đấu giá trọn lô cổ phần trên với giá cao hơn đối thủ cạnh tranh đúng 1 triệu đồng. Như vậy, nhà đầu tư cá nhân này đã bỏ ra 390,57 tỉ đồng để sở hữu 19,5 triệu cổ phần tại VIID, tương đương mỗi cổ phần có giá hơn 20.000 đồng.

Đây là lần thứ hai lô cổ phiếu này được mang ra đấu giá. Trước đó, hồi tháng 3.2020, SCIC cũng đã từng rao bán toàn bộ lô cổ phiếu trên với giá khởi điểm 26.400 đồng/cổ phần và dự tính thu về tối thiểu 516 tỉ đồng nhưng không thành.

Thoái vốn tại VIID gây chú ý trong số các hoạt động thoái vốn nhà nước do SCIC thực hiện thời gian gần đây. VIID được thành lập ngày 25.6.2008 bởi 3 cổ đông sáng lập gồm SCIC, Công ty cổ phần Cơ Điện lạnh (REE) và Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam chuẩn bị đón đợt “sóng” lớn. Thời điểm này, VIID có vốn điều lệ ban đầu là 100 tỉ đồng. Sau quá trình tăng vốn, hiện tại vốn điều lệ của công ty là 410 tỉ đồng. Lĩnh vực hoạt động chính của VIID không thay đổi kể từ khi thành lập đến nay, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực: Đầu tư, xây dựng tòa nhà chung cư, văn phòng, đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng đất nền.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, do thay đổi giá vốn hàng bán, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VIID tăng đột biến từ âm 4,7 tỉ đồng năm 2020 lên 1,7 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế chỉ ghi nhận 72 triệu đồng. Năm 2022, VIID đặt mục tiêu lợi nhuận 31 tỉ đồng (tăng 335,5%) và chia cổ tức 7,6%.

Từ khi thành lập ngành nghề hoạt động của VIID không thay đổi tuy nhiên chủ sở hữu của VIID đã có sự thay đổi sau khi Lalima chuyển nhượng toàn bộ 2 triệu cổ phần (chiếm 4,88% vốn điều lệ) tại VIID cho REE vào năm 2012, đánh dấu hoạt động rút vốn của cổ đông sáng lập đầu tiên. REE cũng nhận chuyển nhượng 5,46% cổ phần VIID từ một pháp nhân khác là Công ty cổ phần Vĩnh Thịnh.

Sau nhiều năm nắm giữ, đến năm 2020, REE đã chuyển nhượng toàn bộ 20.751.197 cổ phần phổ thông tại VIID (tương đương tỉ lệ sở hữu 52,23%) cho Công ty TNHH Bất động sản REE. Số cổ phần này sau đó đã được chuyển nhượng lại cho nhà đầu tư cá nhân là ông Nguyễn Thanh Tùng vào tháng 10.2021, đánh dấu sự thoái vốn của cổ đông sáng lập thứ 2 tại VIID. Như vậy, đến thời điểm trước khi đợt đấu giá lô cổ phần của SCIC, 2 cổ đông lớn của VIID là SCIC và ông Nguyễn Thanh Tùng. Ngoài ra, nhóm các cổ đông khác sở hữu tỉ lệ nhỏ còn lại là 0,14%.

Sau khi thủ tục chuyển nhượng của SCIC hoàn tất sau đợt thoái vốn cách đây ít ngày, VIID được sở hữu bởi hai cổ đông lớn là hai cá nhân và một nhóm cổ đông nhỏ khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn