MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sở hữu rất nhiều công trình du lịch hoành tráng, nhưng có một sự thật là Phú Quốc đang giảm dần sức hút với khách phương xa. Ảnh: Trường Nhân

Khi đảo ngọc Phú Quốc bị các địa danh du lịch khác "qua mặt"

TRƯỜNG NHÂN LDO | 07/05/2023 14:33
Sau kỳ nghỉ lễ dài ngày, trong bức tranh du lịch cả nước “bùng nổ” với tổng lượt khách tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022 thì Phú Quốc - nơi được ví von là “thiên đường nghỉ dưỡng - lại gây bất ngờ với lượng khách giảm hơn 11% và doanh thu giảm hơn 24%. Điều gì đang xảy ra tại Phú Quốc?

Những ngày qua, trên một số phương tiện truyền thông và mạng xã hội rộ lên tranh luận cho rằng, khách du lịch đến Phú Quốc dịp lễ vừa qua thấp là do dịch vụ đắt đỏ. Thậm chí, có trường hợp cho rằng khách ăn uống bị lấy giá gấp 2 đến 3 lần những nơi khác.

Ông Huỳnh Quang Hưng - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho rằng nguyên nhân chính do một số chặng bay từ các nơi đến Phú Quốc tăng giá vé. Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19 có chiều hướng tăng trở lại khiến nhiều du khách e ngại khi đi du lịch. Ngoài ra, học sinh các nơi đang chuẩn bị vào các kỳ thi cuối năm, thi kiểm tra năng lực… khiến cho lượng khách đến Phú Quốc giảm nhiều.

Trước ý kiến về giá cả đắt đỏ, ông Hưng lý giải, giá dịch vụ ở Phú Quốc chắc chắn sẽ cao hơn ở các địa phương khác vì còn phải chịu nhiều chi phí vận chuyển. Hoặc chi phí ở các khu nghỉ dưỡng cao cấp phải cao hơn chi phí ở các quán ăn bình thường, và “trong suốt thời gian qua, đường dây nóng ở Phú Quốc chưa hề nhận được thông tin phản ánh nào của du khách về nạn chặt chém ở địa phương này”.

Thật ra, các thông tin, nhận định của ông Hưng cũng tương tự như nội dung báo cáo của Sở Du lịch Kiên Giang trước đó để lý giải cho việc sụt giảm khách đến Phú Quốc dịp lễ 30.4 năm nay. Tuy nhiên, báo cáo của Sở Du lịch có một thông tin rất đáng suy nghĩ khi tại thời điểm Phú Quốc sụt giảm mạnh lượng khách thì có 2 điểm đến tương tự nhưng có điều kiện cơ sở vật chất, di chuyển kém Phú Quốc rất nhiều là Nam Du và Hòn Sơn lại chật kín khách.

Trước nghỉ lễ, một viên chức tại Cần Thơ loay hoay cả tuần tìm đủ mọi cách nhưng không thể đặt được vé tàu cũng như đặt phòng để đưa gia đình nghỉ lễ tại Nam Du hay Hòn Sơn nên đã quyết định lái xe vượt 200km đến Hà Tiên và tìm cách đặt vé tàu ra quần đảo Hải Tặc - điểm đến được xem như một “chấm nhỏ” trên bản đồ du lịch biển đảo của Kiên Giang nếu so với Phú Quốc. Lý giải cho quyết định này, anh tóm gọn trong mấy chữ: “Đi Phú Quốc vừa tốn tiền vừa không có gì đặc biệt!”.

Ông Hưng nói đúng, giá cả ở Phú Quốc cao hơn các nơi khác, điều này ai cũng biết và chấp nhận nó như một điều tất yếu do điều kiện địa lý. Nhưng, một khi bỏ công sức và tiền bạc để vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số, điều quan trọng không chỉ là chuyện giá cả mà là du khách được chơi gì, xem gì, thu nhận được gì từ nét đặc trưng bản địa.

Vé máy bay cao, du khách tự có cách đến bằng đường khác nếu Phú Quốc thực sự hấp dẫn họ như từ nhiều năm trước. Nên thay vì tìm lý do như giá vé máy bay, do COVID-19 hay tìm hóa đơn chặt chém để xử phạt, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, Phú Quốc đang dần mất sức hút với khách phương xa. Đó là hệ quả của rất nhiều yếu tố, từ giá cả dịch vụ, chi phí sinh hoạt đến những bất ổn về an ninh trật tự trong thời gian gần đây.

Phú Quốc ngày nay có rất nhiều công trình vui chơi hoành tráng, nhưng nó lại không mang đến giá trị bản sắc riêng đến du khách. Trong khi đó, hệ sinh thái du lịch đậm chất bản địa từng được yêu mến, tạo nên “thương hiệu” riêng của Phú Quốc hàng chục năm qua ngày càng mờ nhạt trước tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa ngành du lịch.

Việc “thua trên sân nhà” dịp nghỉ lễ vừa rồi có khi là một điều tốt để lãnh đạo và các nhà làm du lịch ở Phú Quốc cùng nhìn lại để có một giải pháp thu hút khách hữu hiệu hơn, thay vì làm du lịch kiểu đương nhiên cứ lễ là khách sẽ đến Phú Quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn