MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khi nào ngân hàng được quyền xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ?

Lam Duy LDO | 13/02/2022 11:14
Trong các ngày gần đây, thị trường ngân hàng trở nên sôi động hơn với việc hàng loạt ngân hàng rao bán tài sản đảm bảo với quy mô lên tới hàng nghìn tỉ đồng để thu hồi nợ.
Một phiên đấu giá tài sản, phương thức xử lý được xem là tối ưu mà các ngân hàng lựa chọn khi xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ. Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát: AGR

4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm: VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank mới đây liên tiếp rao bán các tài sản đảm bảo, phát mại đất và tài sản gắn liền có trị giá lên tới hàng nghìn tỉ đồng nhằm thu hồi nợ.

Mới đây nhất, Agribank cũng vừa rao bán lô đất 1.900 m2 có địa chỉ tại số 20 Trần Cao Vân (quận 1 - TPHCM), là tài sản thế chấp để thanh toán khoản nợ của Công ty TNHH Phát triển địa ốc Sài Gòn Mới. Vào cuối tháng 12.2021, khối tài sản này từng được thông báo phát mại với mức giá khởi điểm tương tự.

Theo thông tin từ ngân hàng Agribank, việc cho vay và nhận thế chấp tài sản là phương thức được coi là tương đối an toàn và là một loại hình giao dịch được sử dụng rộng rãi. Khi xác lập quan hệ thế chấp, điều mà các ngân hàng quan tâm là lựa chọn tài sản nào để bảo đảm, việc xử lý tài sản đó có thuận tiện không khi khách hàng không trả được nợ?

Tài sản thế chấp và xử lý tài sản thế chấp là yếu tố cốt lõi của quan hệ thế chấp, xuyên suốt toàn bộ quá trình xác lập và thực hiện hợp đồng thế chấp, đảm bảo quyền lợi của chính ngân hàng trong quan hệ thế chấp.

Chính vì điều đó mà trong những năm gần đây, Nhà nước cũng như Chính phủ luôn đề cao và coi trọng việc xử lý dứt điểm nợ xấu tại các ngân hàng, một phần vừa làm trong sạch hoạt động cấp tín dụng tại các ngân hàng, một phần thúc đẩy sự phát triển của loạt hình dịch vụ mới, dịch vụ bán đấu giá tài sản.

"Về nguyên tắc, khi khách hàng đặt quan hệ tín dụng với ngân hàng, nếu vay có tài sản bảo đảm, khách hàng phải ký hợp đồng thế chấp tài sản (có thể là thế chấp tài sản của bên thứ ba hoặc thế chấp tài sản của chính khách hàng vay) và khi khách hàng không trả nợ theo hợp đồng tín dụng, ngân hàng có quyền xử lý tài sản đã thế chấp để thu hồi nợ" - Agribank cho hay.

Thực tế khoản 2, Điều 95 Luật các Tổ chức Tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định rất rõ, trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, ngân hàng có quyền xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm.

Nghị quyết 42 được Quốc hội ban hành năm 2017 cũng định nghĩa nợ xấu là khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước ngày 15.8.2017 hoặc khoản nợ được hình thành trước ngày 15.8.2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian nghị quyết này có hiệu lực.

Như vậy, các khoản vay hình thành sau ngày 15.8.2017 sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 42. Thay vào đó, các hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm được xác lập, thực hiện từ ngày 15.5.2021 thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 21/2021.

Trường hợp hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm được xác lập, thực hiện trong giai đoạn 15.8.2017 đến 15.5.2021 được áp dụng Nghị định số 163/2006 theo quy định tại Nghị định 21/2021.

Trong đó liên quan đến vấn đề xử lý tài sản bảo đảm, Nghị định 21/2021 quy định khi xử lý tài sản bảo đảm, chỉ cần thực hiện theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng, không cần có văn bản ủy quyền hoặc văn bản đồng ý của bên bảo đảm.

Trường hợp bên bảo đảm hoặc người đang giữ tài sản không giao, bên nhận bảo đảm có quyền xem xét, kiểm tra thực tế tài sản bảo đảm để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản bảo đảm, để xử lý hoặc yêu cầu tòa án giải quyết.

Thực tế theo Agribank, đấu giá là một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp được xem là tối ưu mà các ngân hàng lựa chọn khi xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ và đây cũng là giai đoạn cuối cùng và khó khăn nhất trong hoạt động tín dụng của ngân hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn