MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Số tiền mà Kho bạc Nhà nước gửi tại các ngân hàng đạt khoảng 160.000 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm. Ảnh PV

Kho bạc Nhà nước đang có 160 nghìn tỉ đồng gửi ngân hàng

H.M LDO | 06/09/2017 10:42
Số tiền mà Kho bạc Nhà nước gửi tại các ngân hàng đạt khoảng 160.000 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm, tương đương tăng hơn 107.000 tỷ đồng sau 8 tháng.

Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia vừa công bố Báo cáo Tình hình kinh tế và thị trường tài chính tháng 8.2017 và 8 tháng đầu năm 2017. Trong báo cáo này, ở phần tổng hợp thông tin về các tổ chức tín dụng, huy động vốn 8 tháng đầu năm tăng trưởng khoảng 9,1% (cùng kỳ 2016 tăng 11,4%); trong đó, tiền gửi khách hàng tăng 8,7% so với cuối năm 2016, phát hành giấy tờ có giá ước tăng 18,6%.

Ở phần huy động vốn, một chi tiết được nhấn mạnh là tổng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng đạt khoảng 160.000 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm.

Các chuyên gia cho rằng, việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nguyên nhân chính khiến lượng tiền chưa được giải ngân bị ứ đọng tại Kho bạc Nhà nước.

Tại cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng sáng 25.7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chuyển lời phê bình của Thủ tướng đến các bộ trưởng, chủ tịch UBND của 13 bộ, ngành, địa phương giải ngân chậm vốn đầu tư công năm 2017.

Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước năm nay là trên 357.000 tỉ đồng (307 tỉ đồng vốn ngân sách, 50.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ).

Thống kê đến 15.6, tổng số vốn thanh toán là 85.000 tỉ đồng, đạt 23,9% tổng kế hoạch năm 2017 và 27,6% kế hoạch vốn được Quốc hội phân bổ và Thủ tướng giao.

Trong đó, có 13 đầu mối mới giải ngân được dưới 20% kế hoạch vốn được giao: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Dân tộc, Thông tấn xã VN, Hội Cựu chiến binh, TP. Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.

Tổ công tác cho rằng, nếu không có giải pháp cấp bách để thúc đẩy tiến độ giải ngân sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế, trong khi tỉ lệ và nghĩa vụ vay trả nợ công ngày càng có nguy cơ cao.

“Tiền để trong két không tiêu được, trong khi chúng ta vẫn phải trả lãi, đó là lãng phí” - ông Mai Tiến Dũng nói.

Theo ông Mai Tiến Dũng, nguyên nhân giải ngân chậm trước hết là do lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, trong đó có vấn đề thủ tục, chỉ đạo không quyết liệt, năng lực đơn vị thi công...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn