MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khó khả thi khi chốt thống nhất giá điện tái tạo chuyển tiếp trước 31.3

Cường Ngô LDO | 27/03/2023 11:35
Việc đàm phán giá điện chuyển tiếp đối với điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là quá trình phức tạp và thường mất nhiều thời gian nên EVN đã có riêng một công ty để thực hiện chức năng này. Thời hạn phải đàm phán xong trước ngày 31.3 là khó khả thi.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc thoả thuận giá điện với nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Bộ này yêu cầu, EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư trên, để thống nhất giá điện trước ngày 31.3.2023. Mục đích nhằm sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Trao đổi với Lao Động, nhiều nhà đầu tư cho rằng rất khó để hoàn thành việc thống nhất giá điện trước ngày 31.3 vì có nhiều thủ tục đầu tư và hồ sơ pháp lý rất phức tạp. 

Việc EVN phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện chuyển tiếp để thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31.3 là nhiệm vụ bất khả thi do còn nhiều vướng mắc. Ảnh: Cường Ngô

Ông Bùi Vạn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cho biết, hồ sơ pháp lý cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để làm cơ sở thoả thuận giá với EVN rất nhiều.

Bao gồm: giấy chứng nhận hoặc chủ trương đầu tư còn hiệu lực; thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; các thủ tục về đất đai, quyết định cho thuê đất, giao đất; thoả thuận đấu nối còn hiệu lực… 

“Tất cả những hồ sơ pháp lý đã khó rồi - mà còn hiệu lực thì càng khó nữa. Bởi trong 2 năm qua, nhiều dự án điện mặt trời, điện gió không kịp hoàn thành tiến độ, nhiều dự án đã hết hạn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và một số lý do khách quan khác.

Chính vì vậy, mốc thời gian 31.3, các nhà đầu tư phải hoàn thành việc đàm phán, thống nhất giá điện tái tạo là rất khó”, ông Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh, nhiều nhà đầu tư cũng than vãn về việc cơ chế giá chuyển tiếp cho năng lượng mặt trời, năng lượng gió cũng chưa phù hợp với thực tiễn.

Do đó, Bộ Công Thương cần thuê đơn vị tư vấn độc lập tính toán lại giá điện một cách hợp lý nhất, đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan”, ông Thịnh cho hay.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T cho rằng, hiện khung giá điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp chưa phù hợp thực tiễn và nhà đầu tư bị ảnh hưởng "không hề được hỏi ý kiến".

Kết quả, dù tính ra khung giá nhưng lại không có đơn vị tư vấn độc lập thẩm định nên không phù hợp với thực tế đầu tư. 

Bên cạnh đó, việc bãi bỏ 3 quy định như áp dụng giá mua trong 20 năm, chuyển đổi tiền sang đồng USD, trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng, theo bà Bình là không phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo. 

Do đó, doanh nghiệp này kiến nghị cần tính toán lại khung giá điện, trên cơ sở thuê đơn vị tư vấn độc lập. 

Theo đại diện của EVN, việc đàm phán là quá trình phức tạp và thường mất nhiều thời gian nên EVN đã có riêng một công ty để thực hiện chức năng này.

Tuy nhiên, mỗi năm cũng chỉ hoàn thành đàm phán được 4-5 dự án mới. Do vậy, việc phải đàm phán cùng lúc với 85 nhà máy điện trong khi còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ là khó khả thi.

Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676 MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch.

Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn