MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khó khăn bủa vây, loạt doanh nghiệp phá sản kế hoạch lợi nhuận

KIM NGÂN LDO | 05/12/2022 10:00

Khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận năm 2022 ngay thời điểm cuối năm, rút lại kế hoạch chia cổ tức.

Nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng, xăng dầu phải giảm mục tiêu lợi nhuận tới 70-90%. Ảnh: Anh Huy
Giảm 99% chỉ tiêu lợi nhuận

Đây là tình cảnh Công ty cổ phần Tập đoàn CMH Việt Nam (mã chứng khoán: CMS) phải đối mặt. CMS thu hút sự chú ý khi ông Nguyễn Đức Hưởng - nguyên Chủ tịch ngân hàng LienVietPostBank, bất ngờ tham gia hội đồng quản trị hồi cuối năm 2021. Đến nay, sau một năm có sự tham gia của ông Hưởng, CMS vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn. Khó khăn chồng khó khăn khiến CMS vừa phải lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Theo kế hoạch mới mà công ty này muốn điều chỉnh, mục tiêu doanh thu giảm gần 60% so với kế hoạch được thông qua về còn gần 182 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm mạnh hơn với 99% so với chỉ tiêu được các cổ đông thông qua về còn gần 620 triệu đồng. Không những vậy, CMS còn xin ý kiến các cổ đông không chia cổ tức, thay vì mức chia từ 7% như kế hoạch trước đó.

CMS buộc phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh 9 tháng đầu năm nay doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 2 tỉ đồng, cùng kỳ cũng lỗ gần 9 tỉ đồng. CMS kinh doanh thua lỗ do các hợp đồng xây dựng ký trước năm 2022 gần như kết thúc giai đoạn thi công, chuẩn bị chuyển sang giai đoạn quyết toán, bảo hành công trình. Các hợp đồng tổng thầu EPC dự kiến triển khai thi công xây dựng trong quý II bị chậm trễ do chưa có mặt bằng thi công. Công ty cũng buộc phải tái cơ cấu các khoản đầu tư tài chính, thanh lý một số tài sản không còn phù hợp với định hướng phát triển sản xuất.

Không riêng CMS, cuối tháng 11 vừa qua, đại hội cổ đông bất thường năm 2022 của Công ty cổ phần Việt Trung Quảng Bình (mã chứng khoán: VTQ) cũng phải thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022. Theo kế hoạch mới, tổng doanh thu năm 2022 của công ty này giảm gần 20% về còn gần 84 tỉ đồng, lãi trước thuế giảm mạnh 74% về chỉ còn 7 tỉ đồng. Trong 9 tháng đầu năm nay, mặc dù doanh thu thuần của VTQ vẫn tăng 49% lên 45 tỉ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm mạnh 57% về còn 2,5 tỉ đồng (36% kế hoạch năm).

Trong số các doanh nghiệp trên sàn điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh năm 2022, đáng chú ý phải kể đến Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán: PLX). Trong bối cảnh diễn biến xăng dầu biến động mạnh, “ông lớn” này muốn xin cổ đông điều chỉnh cả doanh thu và lợi nhuận: Doanh thu hợp nhất tăng 29% lên 240.000 tỉ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm 90% về còn 300 tỉ đồng.

Gánh nặng vốn, lãi suất

Khó khăn từ giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát cho đến nay vẫn khiến nhiều doanh nghiệp chưa phục hồi được sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp chưa thoát khỏi thua lỗ, nợ nần. Trong báo cáo mới phát hành của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) về nhóm doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng và hàng không thiết yếu trên sàn chứng khoán cho thấy chỉ có nhóm mặt hàng cao cấp vẫn tăng trưởng vượt trội trong quý III/2022.

Các nhóm doanh nghiệp còn lại đều không mấy khả quan thậm chí tiêu cực, trong đó đáng chú ý nhất là tác động ròng tiêu cực từ môi trường tài chính kém thuận lợi. Chuyên viên phân tích Trần Đăng Mạnh của BVSC chỉ ra: Cho đến nay, tác động ròng của môi trường lãi suất tăng và đồng VNĐ mất giá so với USD là tiêu cực lên hầu hết các công ty tiêu dùng không thiết yếu, vốn có vị thế nợ ròng và có hoạt động nhập khẩu.

Để hạn chế tác động tiêu cực, chuyên gia BVSC cho rằng, các công ty này bắt buộc phải quản lý tồn kho và thanh toán tốt hơn nhằm giảm đòn bẩy và rất có thể sẽ phải tăng giá bán hàng hoá trong thời gian tới khi cả nhà phân phối và bán lẻ đang cố chuyển phần chi phí gia tăng từ nhập khẩu sang khách hàng cuối.

Còn theo báo cáo Cập nhật thị trường tiền tệ tháng 11.2022 của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các doanh nghiệp đang khó khăn về nhu cầu vốn đáp ứng hoạt động kinh doanh và thanh toán thời điểm cuối năm, cùng với áp lực từ việc rút vốn khỏi kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Theo cập nhật của VDSC, các doanh nghiệp đã phải vay với lãi suất phổ biến từ 11-12% trong bối cảnh nguồn cung tín dụng từ phía ngân hàng hết sức hạn hẹp. Chính vì vậy, khó khăn của doanh nghiệp sẽ còn kéo dài sang 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn