MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khó khăn đeo bám, loạt ông lớn ngành thép sụt giảm doanh thu

Thu Giang LDO | 25/04/2023 14:04
Dù có một vài tín hiệu khởi sắc thế nhưng nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thép vẫn đang thận trọng, cân đối trong việc thiết lập kế hoạch kinh doanh các quý trong năm 2023. 

Thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát (HPG) trong quý I/2023, doanh nghiệp đã đạt doanh thu khoảng 26.865 tỉ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ 2022.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Hòa Phát đạt 383 tỉ đồng (đạt 5% so với kế hoạch năm 2023). Riêng lĩnh vực sản xuất thép và sản phẩm liên quan vẫn là chủ lực và đóng góp 94% lợi nhuận sau thuế toàn doanh nghiệp.

Trong khi đó, cùng kỳ năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát đạt 44.400 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 8.200 tỉ đồng.

Dù có mức sụt giảm mạnh so với cùng kỳ 2022, Hòa Phát nhận định trong bối cảnh sức cầu chưa được cải thiện, kết quả trên cho thấy bức tranh sản xuất kinh doanh có dấu hiệu tích cực hơn khi so sánh với hai quý cuối năm 2022.

Cụ thể, lũy kế quý I/2023, Hòa Phát sản xuất 1,2 triệu tấn thép thô, giảm 42% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 1,37 triệu tấn, giảm 37% so với 3 tháng đầu năm ngoái.

Khó khăn vẫn đeo bám doanh nghiệp ngành thép. Ảnh: Trần Nghi

Trong quý II/2023, do tình hình thị trường vẫn còn khó khăn, Hòa Phát dự kiến khôi phục sản lượng sản xuất thép tại Hải Dương và Quảng Ngãi tùy theo nhu cầu thị trường, đảm bảo lượng tồn kho hợp lý.

Trong kho đó, kết thúc quý I/2023, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Thép Vicasa - VnSteel (VCA) đạt 506,2 tỉ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do giá vốn cũng giảm 42% giúp lợi nhuận gộp của doanh nghiệp vẫn tăng nhẹ lên 28 tỉ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 5%. 

Tại đại hội cổ đông mới đây, Ban lãnh đạo Vicasa - VnSteel cho biết, tình hình ngành thép trong nước hiện cung đã vượt cầu. Bên cạnh đó là sự gia tăng sản lượng các thương hiệu như Hòa Phát, VAS... cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng thị phần, chiếm lĩnh thị trường.

Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thép vẫn đang thận trọng, cân đối trong việc thiết lập kế hoạch kinh doanh các quý trong năm 2023. Ảnh: Nguyễn Thúy 

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Mirea Asset Việt Nam cho rằng, với đặc tính sản lượng thép bán ra phụ thuộc lớn vào thị trường bất động sản nội địa, việc ngành địa ốc trầm lắng trong năm 2023 sẽ kéo theo nhu cầu trong nước khó tăng trưởng. Đơn vị này dự phóng sản lượng thép nội địa năm 2023 giảm về mức gần 17,9 triệu tấn, giảm khoảng 10,5% so với cùng kỳ.

Theo Mirea Asset Việt Nam, ngành thép vẫn có thể kỳ vọng vào việc giải ngân đầu tư công bù đắp một phần sự suy giảm của thị trường bất động sản. Ngân sách dành cho đầu tư công năm nay tăng cao nhất trong lịch sử, ước chi 704.000 tỉ đồng, với tỉ lệ giải ngân mục tiêu từ Chính phủ.

Báo cáo ngành thép của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VBSC) cũng chỉ ra rằng, thị trường xây dựng bất động sản chiếm 60% nhu cầu thép đang gặp khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn mới, rủi ro pháp lý vẫn hiện hữu.

Hiện nay, số dự án đang triển khai tại miền Nam thấp hơn cả thời kỳ COVID-19. Số dự án cấp phép mới trong 2022 thấp kỷ lục cho thấy nhu cầu xây dựng 2023 ở mức yếu, đây cũng là rào cản lớn cho tăng trưởng ngành thép trong thời gian tới.

Tuy vậy, đa số giới phân tích cũng như các chuyên gia cũng dự báo lạc quan đối với tăng trưởng của ngành thép trong dài hạn. Theo đó, quá trình giải ngân vốn đầu tư công đang diễn ra mạnh mẽ kỳ vọng sẽ bù đắp phần nào nhu cầu yếu từ lĩnh vực bất động sản dân dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn