MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiếu ngư phủ ra khơi là nỗi lo thường trực của các chủ tàu Cà Mau. Ảnh: NHẬT HỒ

Khổ như tìm ngư phủ ra khơi

NHẬT HỒ LDO | 25/11/2019 06:50

Chủ tàu khổ sở vì tìm không ra ngư phủ để ra khơi. Không có ngư phủ, họ phải thông qua “cò” để đủ lao động cho những chuyến biển. Tuy nhiên, không phải “cò” nào cũng có tâm. Đôi khi, họ tuyển cả người tâm thần cung cấp cho chủ tàu để kiếm tiền.

“Đi Bình Dương” hết rồi

Ông Nguyễn Thanh Hùng - chủ một tàu cá ở phường Nhà Mát, Thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu - than: “Bạn tàu giờ khó kiếm lắm! Đã vậy, họ còn không siêng đi biển như trước nữa. Có hôm, tàu mình đã đến giờ nhổ neo mà còn phải nán lại, chỉ để đợi mấy bạn tàu... nhậu xong họ mới chịu đi. Giận lắm, nhưng đâu dám nói gì họ”.

Theo ông Hùng, ngư phủ là nghề khá cực nhọc. Vì vậy trước khi xuống tàu, chủ tàu đã cho bạn tàu ứng trước tiền công. Khi vào bờ, họ ăn chia tỉ lệ trên sản phẩm. Một chuyến biển trúng mùa (thường 3 tháng), mỗi người được chi không dưới 30 triệu đồng. “Tuy nhiên, thanh niên trai tráng giờ đi… Bình Dương lao động hết rồi nên việc tìm ngư phủ vô cùng khó khăn” - ông Hùng cho hay.

Trường hợp khác, các bạn tàu nhận tiền xong nhưng khi đến ngày tập trung lên tàu ra khơi thì lại không thấy đâu. Hỏi người nhà, họ bảo không biết. Lân la hỏi nhóm bạn tàu thì mới biết người này đã đi tìm công việc khác ở tỉnh ngoài. Đó là tình cảnh mà anh B - chủ một tàu cá ở phường Nhà Mát, TP.Bạc Liêu - gặp phải trong mùa biển vừa qua.

Anh B chia sẻ: “Đa phần những người tham gia bạn tàu đều có hoàn cảnh khó khăn. Thấy vậy, các chủ ghe, tàu thường cho họ ứng trước một khoản kha khá để gửi lại gia đình chi tiêu trong những lúc họ vắng nhà. Cũng chính vì kiểu ăn trước - trả sau này mà không ít chủ tàu phải chịu cảnh tiền mất còn người chẳng thấy đâu”.

Nghề đi biển giờ không còn hấp dẫn

Một trong những nguyên nhân khiến cho ngư dân vùng biển ngày càng ngại ra biển vì trước đây biển cả rất hào phóng, nhất là thời gian từ tháng 7 đến tháng 12, tôm cá rất nhiều. Giờ thì tàu ra biển tốn rất nhiều chi phí mà hiệu quả không cao như trước. Nguồn lợi thủy hải sản vơi cạn so với trước kia, người lao động cũng bỏ nghề đi kiếm ăn xa, hoặc chọn công việc ổn định tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh để làm ăn.

Ông Nguyễn Hoàng Trung (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Nghề đi biển đối mặt với nguy hiểm. Mấy năm nay thu nhập sút kém nên rất khó tìm bạn tàu. Giờ nhiều người, nhất là lớp trẻ, không còn mấy mặn mà với nghề biển nữa”.

Ngoài việc thiếu hụt lao động phổ thông sử dụng những công cụ bình thường, việc những lao động có tay nghề có thể sử dụng các loại máy móc hiện đại như máy dò, radar hay lái tàu cũng ở trong tình trạng khan hiếm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cà Mau có trên 8.900 tàu cá nhưng lao động biển rất khan hiếm. Trong khi đó, cho đến nay, chưa có dịch vụ lao động nào cung ứng lượng lao động đi biển. Chính vì điều này, nhiều chủ tàu gom ngư phủ thông qua “cò” lao động. Thế nhưng, không phải “cò” nào cũng có tâm. Đã có trường hợp, “cò” cung cấp người có tiền sử tâm thần cho chủ ghe đi biển. Khi xuống tàu ra khơi, thuyền trưởng, bạn tàu mới phát hiện. Trớ trêu là thậm chí ngay cả bản thân người bị bán đi làm ngư phủ cũng không biết mình… làm ngư phủ.

Đã đến lúc cần dịch vụ có chất lượng cung ứng lao động cho ngành nghề đặc thù này để các chủ tàu an tâm ra khơi bám biển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn