MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kon Tum đang gỡ khó cho thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ảnh: Thanh Tuấn

Khó thu hút đầu tư, nhiều khu, cụm công nghiệp ở Kon Tum gần như bỏ hoang

THANH TUẤN LDO | 21/02/2024 15:04

Kon Tum hiện chưa có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật nên việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế còn chậm, hạ tầng chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, mời gọi doanh nghiệp đến hoạt động.

This browser does not support the video element.

Ngày 21.2, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum cho biết, ngành chức năng đang gỡ khó vướng mắc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư để phát triển, tăng thu cho ngân sách.

Hiện, theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 3 khu công nghiệp, gồm: Hòa Bình, Sao Mai, Đắk Tô. Trong đó, hiện chỉ có Khu công nghiệp Hòa Bình đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, hiện đã lấp đầy và đi vào hoạt động.

Khu công nghiệp Sao Mai đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư hạ tầng. Đối với Khu công nghiệp Đắk Tô, Ban Quản lý Khu kinh tế đang xin chủ trương UBND tỉnh Kon Tum cho triển khai lập quy hoạch phân khu để kêu gọi nhà đầu tư đăng ký đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Công tác thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do chưa có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Tiềm lực của doanh nghiệp, nhất là về vốn, tài chính, công nghệ, năng lực cạnh tranh còn có một số hạn chế nhất định. Đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Cây caosu vẫn còn phủ xanh bên trong đất cụm công nghiệp Đắk La ở huyện Đắk Hà. Ảnh: Thanh Tuấn

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc thiếu quỹ đất sạch để giới thiệu cho các nhà đầu tư.

Tại huyện Đắk Hà, cụm công nghiệp Đắk La chỉ có 7 doanh nghiệp thuê đất, đạt tỷ lệ hơn 37% diện tích. Trước đó, chính quyền địa phương thu hồi đất caosu, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm cụm công nghiệp. Tuy nhiên, diện tích đất trống còn nhiều, cây caosu vẫn chưa chặt bỏ hết.

Còn cụm công nghiệp Kon Plông (huyện Kon Plông), đã thực hiện đầu tư đường, hệ thống điện, nước, rà phá bom mìn với tổng kinh phí hơn 4,1 tỉ đồng. Tuy nhiên cụm này đến nay cũng chưa đi vào hoạt động.

Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ khó khăn cho thu hút doanh nghiệp đầu tư. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông Dương Văn Trang - Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tăng cường xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo điều kiện về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất còn lại tại Khu công nghiệp Sao Mai, công khai quỹ đất, cắt giảm và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, chú trọng xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư.

Lũy kế đến nay, tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 89 doanh nghiệp đang hoạt động với 100 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 2.500 tỉ đồng, vốn thực hiện 1.464 tỉ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động trong và ngoài tỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn