MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khó tiếp cận vốn vay, doanh nghiệp nội cần Chính phủ gỡ

ĐẶNG TIẾN LDO | 22/10/2019 14:20

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới hủy đấu thầu quốc tế, hạ bớt các tiêu chí phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển với nhiều điều kiện giảm so với chào thầu 8 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020. Tuy nhiên, khi triển khai, các nhà đầu tư trong nước vẫn khó tiếp cận vốn vay ngân hàng và đang cần Chính phủ gỡ nút thắt này.

Nới lỏng nhiều tiêu chí

Dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: TEDI

Theo Bộ GTVT, 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 kêu gọi đầu tư tư nhân theo hình thức BOT, với tổng số vốn khoảng 63.716 tỉ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu các nhà đầu tư khoảng 12.743 tỉ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỉ đồng, phần còn lại ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Tại hồ sơ mời sơ tuyển mới được Bộ GTVT phê duyệt, về năng lực tài chính vẫn giữ nguyên quy định phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư phải đảm bảo tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án tham gia đấu thầu theo đúng quy định của Nghị Quyết 20/2018 của Chính phủ, đồng thời Bộ GTVT đã bỏ quy định các nhà đầu tư tham gia trong liên danh phải chiếm tối thiểu 15% vốn góp so với quy định trong hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế trước đây. Thay vào đó, chỉ cần vốn chủ sở hữu của liên danh nhà đầu tư đảm bảo tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án đang xét là đáp ứng yêu cầu. Cùng đó, Bộ GTVT đưa ra tiêu chí nhà đầu tư đủ điều kiện khi từng tham gia 1 gói thầu xây lắp có giá trị vốn tối thiểu bằng 20% giá trị xây lắp của dự án tham gia đấu thầu (thay vì mức 30% như hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế trước đó). Ngoài ra, nhà đầu tư có phần vốn nước ngoài vẫn được tham gia đầu tư (hoặc tham gia các liên danh nhà đầu tư), với điều kiện phần vốn góp không vượt quá 51% (tức nhà đầu tư nước ngoài không nắm cổ phần chi phối). Điều này khiến nhiều người băn khoăn liệu có là kẽ hở để các doanh nghiệp nội bắt tay với doanh nghiệp ngoại hoặc dùng doanh nghiệp trong nước làm bình phong để đấu thầu.

Tại báo cáo về tình hình thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam vừa được gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể cho biết, theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định 30/2015, thời gian đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển khoảng 30 ngày, thời gian thẩm định, phê duyệt khoảng 40 ngày. Dự kiến, công tác sơ tuyển nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 2.2020. Nhưng theo đại diện Ban Quản lý dự án 6 (đơn vị mở bán hồ sơ mời sơ tuyển hai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt), thời gian mở bán kéo dài một tháng nhưng trong 2 ngày đầu (ngày 16 và 17.10) đã bán được 8 bộ hồ sơ và dự kiến sẽ tiếp tục thu hút rất nhiều nhà đầu tư đến mua hồ sơ. Đại diện Ban Quản lý dự án 2 (đơn vị mở bán hồ sơ mời sơ tuyển đoạn cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn) cũng cho biết, ngay trong ngày đầu tiên mở bán đã nhận được 4 bộ hồ sơ.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự kiến tháng 4.2020 sẽ phát hành hồ sơ mời thầu. Thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu khoảng 90 ngày và thời gian thẩm định, phê duyệt kết quả đấu thầu khoảng 50 ngày. Trong trường hợp thuận lợi có thể hoàn thành công tác đấu thầu nhà đầu tư khoảng tháng 11.2020.

Liệu có loại được “tay không bắt giặc”?

Theo Phó Tổng Giám đốc Cty Phương Thành Tranconsin - Vũ Ngọc Oánh, việc Bộ GTVT điều chỉnh một số tiêu chí trong hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư 8 dự án cao tốc Bắc - Nam là phù hợp với thực tiễn để nhiều nhà đầu tư trong nước có thể tham gia đầu tư các dự án. Cũng theo ông Oánh, hồ sơ mời sơ tuyển đã bỏ quy định khống chế vốn góp của nhà đầu tư trong liên danh, giúp các doanh nghiệp có năng lực thi công nhưng ít vốn có thể liên kết với những đơn vị có tiềm lực mạnh về tài chính để cùng nhau đầu tư dự án. Do đó nguồn tiền của nhà đầu tư đã rót vào dự án khác nên sẽ không có đồng tiền nhàn rỗi. Trong khi đó, các dự án cao tốc Bắc - Nam có thời gian thu phí kéo dài, lại không được bảo lãnh doanh thu, cộng với việc các ngân hàng đang vẫn e dè việc cho vay vốn thì các nhà đầu tư kiểu “tay không bắt giặc” sẽ không có cửa tham gia dự án.

Cùng đó, nhiều ý kiến cho rằng, Dự án cao tốc Bắc - Nam hiện có nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia nhưng thực tế về tài chính phải trông chờ việc ngân hàng cho vay đến đâu. Trong khi chưa có Luật PPP, trước khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT cần phải thuê một đơn vị tư vấn độc lập, có năng lực và kinh nghiệm dự báo, kiểm tra, rà soát, cập nhật lại toàn bộ phương án tài chính, lưu lượng xe của các dự án để hạn chế rủi ro thấp nhất cho các nhà đầu tư.

Cũng tại báo trình Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT - Nguyễn Văn Thể cho rằng, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn giảm dần còn 40% từ ngày 1.1.2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tới”, người đứng đầu ngành giao thông thừa nhận những khó khăn, vướng mắc về việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Do đó, việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước, trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, hình thức chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn. Bộ GTVT đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp phù hợp bảo đảm cung cấp đủ các nguồn vốn đáp ứng việc triển khai dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn