MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khó trong, khó ngoài bủa vây doanh nghiệp thép

Kim Ngân LDO | 10/12/2022 16:10
Tiêu thụ chậm do cầu yếu và giá đầu vào tăng nhưng doanh nghiệp thép không thể tăng mạnh giá bán khiến khó khăn của các doanh nghiệp thép kéo dài, kết quả kinh doanh tiếp tục ảm đạm.
Ngành thép được dự báo ít có cơ hội phục hồi trong năm 2023 do tiêu thụ vẫn còn yếu. Ảnh: Trần Nghi
Bán hàng và lợi nhuận cùng giảm

Báo cáo mới nhất về tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán: HPG) cho biết, tháng 11.2022, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận 384.000 tấn thép thô, giảm mạnh 43% so với cùng kỳ 2021.

Bán hàng các sản phẩm thép cũng chỉ đạt 443.000 tấn, giảm 30% so với cùng kỳ  năm trước. Hoà Phát cho biết, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước với các sản phẩm thép nhìn chung vẫn chưa được cải thiện. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tổng lượng tiêu thụ của Hoà Phát giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm.

Lũy kế 11 tháng, Hòa Phát đã sản xuất 7 triệu tấn thép thô, giảm 6% so với cùng kỳ 2021. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép, HRC đạt hơn 6,6 triệu tấn, cùng giảm mức 6%, chủ yếu do không có đơn hàng xuất khẩu phôi thép như năm trước.

Kết quả kinh doanh này của Hoà Phát tiếp nối đà lao dốc nhiều tháng qua. Trước đó, như Báo Lao Động đã phản ánh, lợi nhuận sau thuế quý III/2022 của Hoà Phát lỗ 1.786 tỉ đồng, giảm 117% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 116.559 tỉ đồng doanh thu và 10.443 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 76% và 39% kế hoạch năm.

Tương tự, Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel, mã chứng khoán: TVN) cũng ghi nhận kỷ lục trong quý III/2022 khi lỗ gộp 271 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi 354 tỉ đồng. 

Khó trong, khó ngoài

Khó khăn do tồn kho vẫn lớn, giá đầu vào tăng liên tục thời gian qua đè nặng lên Hoà Phát và các doanh nghiệp trong ngành thép. Mặc dù đã đẩy mạnh bán hàng nhưng tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép tại thời điểm ngày 30.9 vẫn còn khoảng 85.000 tỉ đồng (sau khi đã giảm khoảng 25.000 tỉ đồng so với cuối quý II).

Trong đó, Hòa Phát là đơn vị tích cực xả kho nhất, riêng trong quý III vừa qua doanh nghiệp này xả gần 13.700 tỉ đồng tiền hàng tồn kho.

Hiện tiêu thụ của các doanh nghiệp thép vẫn đứng trước khó khăn do cầu chưa phục hồi. Trên thị trường thép thế giới, những khó khăn tại các thị trường tiêu thụ thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Châu Âu đang hạn chế hoạt động xuất khẩu của thép trong nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép còn phải đối mặt với tỉ giá đồng USD vẫn đang ở mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Theo POSCO - nhà sản xuất thép lớn tại Việt Nam, chênh lệch tỉ giá đang làm tăng chi phí nguyên liệu thô nhập khẩu và kéo giảm lợi nhuận. Bởi lợi nhuận bị hạn chế khi giá năng lượng tăng, nhưng các doanh nghiệp không thể tăng giá sản phẩm vì điều kiện thị trường yếu.

Không chỉ nhu cầu thị trường thế giới giảm do lo ngại suy thoái kinh tế thế giới mà nhu cầu mặt hàng thép cuộn cán nóng tại thị trường trong nước cũng đã rơi xuống mức thấp do ảnh hưởng bởi sự suy yếu của thị trường bất động sản cùng lãi suất tăng cao. Hiện một số doanh nghiệp thép trong nước đã tăng nhẹ giá bán tuy nhiên các doanh nghiệp này chưa thể thoát được cảnh khó khăn trong trước mắt.

Trong báo cáo triển vọng ngành thép mới đây, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định, ngành thép ít có cơ hội phục hồi trong năm 2023 do tiêu thụ vẫn còn yếu và áp lực tỉ giá cũng như lãi suất lên chi phí tài chính.

Theo VDSC, năm 2023, mặc dù Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng theo mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế có thể hỗ trợ nhu cầu thép trong nước, đặc biệt là thép xây dựng. Tuy nhiên, ngành bất động sản sau một năm 2022 trầm lắng, dự kiến sẽ chưa thể phục hồi trong năm 2023 nên khó hỗ trợ cho nhu cầu thép nội địa tăng trở lại. Chỉ từ quý III/2023, khi áp lực tăng lãi suất dịu bớt trên toàn cầu, nhu cầu thép toàn cầu mới có khả năng tăng trở lại.

BOX: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến 15.11, trong số 10 nhóm hàng hóa xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, sắt thép là nhóm hàng hóa duy nhất có giá trị xuất khẩu tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2021. Tính từ đầu năm đến giữa tháng 11, giá trị xuất khẩu mặt hàng sắt thép mới đạt 7,1 tỉ USD, trong khi cùng kỳ đạt 10,26 tỉ USD, tương đương với mức giảm gần 31%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn