MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: ĐHQGHN

Khoa học công nghệ và nhân lực chất lượng cao là chiếc đũa thần cho nền kinh tế

Minh Ánh LDO | 10/12/2023 12:17

Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam hiện nay đang đứng trước cơ hội rất lớn để kết nối, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu qua đầu tư FDI, tuy nhiên lao động trong ngành này hiện đang mắc phải vấn đề lớn về lượng nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ năng để nâng cao sản xuất.

Đội ngũ lao động việt nói chung giỏi lý thuyết nhưng kém năng lực thực hành

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Công nghệ, ngay từ năm 2005 đã luôn thắc mắc tại sao Hàn Quốc lại có thể trở thành con rồng của châu Á.

Các nước cường quốc tại châu Á ngày nay cũng đều có xuất phát điểm như chúng ta. Nhưng nhờ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ nên họ đã phát triển như bây giờ. Vì vậy, để Việt Nam phát triển bền vững, nền kinh tế cất cánh thì phải coi nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ là chiếc đũa thần - GS Đức chia sẻ.

Theo ông Đức, Việt Nam đang thiếu hụt mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao. Đơn cử như trong lĩnh vực chế biến, chế tạo - nơi tập trung nhiều nhất các dự án FDI có hiệu lực, tỉ lệ lao động có việc làm và được đào tạo trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn còn hạn chế.

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ qua đào tạo chiếm hơn 85%, song nguồn cung lại có sự chênh lệch nghiêm trọng so với nhu cầu. Cụ thể, trong tổng số hơn 43.000 lao động đi tìm việc làm trong quý III/2021, số người có trình độ nghề sơ cấp, trung cấp và cao đẳng chỉ chiếm hơn 38%. Có thể nói, lao động công nghiệp phụ trợ Việt Nam nói riêng và đội ngũ lao động Việt nói chung giỏi lý thuyết nhưng kém về năng lực thực hành, ứng dụng công nghệ cao, quá trình lao động, ngoại ngữ còn hạn chế trong việc thích nghi môi trường có áp lực cạnh tranh cao.

Theo các chuyên gia, không chỉ doanh nghiệp FDI đang tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao ở các doanh nghiệp Việt Nam mà chính doanh nghiệp Việt cũng đang phải đối mặt với vấn đề lớn về nguồn nhân lực, đặc biệt là khả năng tay nghề và kỹ năng.

Thậm chí, dự đoán rằng 74% lao động trong ngành chế biến, chế tạo ở Việt Nam có rủi ro bị thay thế do tự động hoá, cao hơn so với các nước trong khu vực.

Một đại diện công ty linh kiện lắp ráp ôtô trong nước chia sẻ: “Hiện tại các doanh nghiệp nội địa yếu thế hơn so với doanh nghiệp FDI trong việc thu hút nhân tài bởi các doanh nghiệp nước ngoài xây dựng văn hoá doanh nghiệp tốt hơn và có nhiều chế độ phúc lợi cho nhân viên”.

Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cao

Nói về nhân lực chất bán dẫn, một lãnh đạo Viện nghiên cứu Chính sách và Kinh tế cho rằng, Việt Nam còn dư địa về phát triển các nguồn nhân lực trẻ năng động, nhưng qua khảo sát, khả năng người dân Việt tiếp cận lĩnh vực công nghệ mới là rất tốt. Thêm nữa, Việt Nam có thế mạnh tại các lĩnh vực toán, khoa học công nghệ. Đây chính là nền tảng để chúng ta đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đưa ra các giải pháp, GS Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh việc thay đổi chính sách, thay đổi tư duy là việc cần phải làm.

“Rất nhiều chương trình đào tạo chỉ có tính chất ăn xổi, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, chưa kể năng lực ngoại ngữ yếu kém. Điều này cần phải có sự tham gia của hệ thống giáo dục. Phải có đội ngũ giảng dạy giỏi, chuyên gia giỏi, thậm chí có các chính sách mời Việt kiều về tham gia đào tạo” - ông Đức chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn