MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines chưa thể khởi sắc. Ảnh: Đặng Tiến

Khoản lỗ dự kiến của Vietnam Airlines gây ảnh hưởng không nhỏ tới tổng lợi nhuận các doanh nghiệp nhà nước

Nhóm PV LDO | 28/09/2023 13:27

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp nhà nước cơ bản lãi. Tuy nhiên, Vietnam Airlines lại là một trong hai doanh nghiệp trung ương hiếm hoi có mức lợi nhuận âm… Việc này làm ảnh hưởng không nhỏ tới tổng lợi nhuận chung của các tập đoàn, tổng công ty thuộc doanh nghiệp nhà nước.

Vietnam Airlines thua lỗ, hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước trong phạm vi toàn quốc.

Theo đó, lũy kế đến tháng 8.2023, tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 1.136.621 tỉ đồng (bằng 71% kế hoạch năm và 102% so với cùng kỳ).

Một số doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn, gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt 350.525 tỉ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam đạt 250.000 tỉ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đạt 169.000 tỉ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đạt 112.100 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh một số tập đoàn, tổng công ty có lợi nhuận lớn, cũng có một số doanh nghiệp lỗ nặng, trong đó điển hình là Vietnam Airlines.

Theo tài liệu, 8 tháng năm 2023, sản lượng vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines ước đạt 2,02 triệu khách, tăng 8,5% so với cùng kỳ; sản lượng vận chuyển hàng hoá ước đạt 139,3 nghìn tấn, bằng 46,8% kế hoạch năm và bằng 95,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tính đến ngày 30.6.2023, tổng lỗ phát sinh của Vietnam Airlines là 1.317 tỉ đồng, đưa tổng lỗ phát sinh của cả khu vực doanh nghiệp nhà nước lên mức 33.639 tỉ đồng.

Đáng nói hơn, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính năm 2023, Vietnam Airlines lỗ phát sinh đột biến lên tới 4.500 tỉ đồng. Nghĩa là 6 tháng cuối năm, đơn vị này dự kiến lỗ thêm 3.183 tỉ đồng, tức là gấp khoảng 2,4 lần con số 6 tháng đầu năm.

Vietnam Airlines tiếp tục lỗ nặng trong năm 2023. Ảnh: VNA

"Trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn chung do tác động của xung đột Nga - Ukraina và các bất ổn của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp nhà nước cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh, đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp còn thua lỗ, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu và chỉ rõ, một số tập đoàn, tổng công ty có mức lợi nhuận âm, trong đó có những doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò quan trọng như Vietnam Airlines… làm ảnh hưởng không nhỏ tới tổng lợi nhuận chung của tập đoàn, tổng công ty là doanh nghiệp nhà nước.

Khoản lỗ triền miên của Vietnam Airlines, nguy cơ mất vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Nhận định về những khó khăn và khoản lỗ của Vietnam Airlines, PGS.TSKH Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Chính trị thế giới cho biết, hiện nay, thị trường nội địa phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát, nhưng thị trường quốc tế phục hồi rất chậm.

Cộng thêm các "gánh nặng" từ giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên, cho nên Vietnam Airlines vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều.

Song, cùng chịu nhiều khó khăn chung như thế, các hãng hàng không khác như Vietjet Air, Bamboo Airways vẫn làm ăn tốt, quyết tâm giảm lỗ, thậm chí báo lãi thì không lý gì Vietnam Airlines vẫn lỗ triền miên như vậy.

Như Vietjet Air, theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1.2023, doanh thu vận chuyển hàng không của doanh nghiệp này đạt 12.880 tỉ đồng, tăng 286% so với cùng kỳ năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 168 tỉ đồng, tăng 320%. Về kết quả kinh doanh hợp nhất, Vietjet ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 12.898 tỉ đồng và 173 tỉ đồng.

"Tôi cho rằng, Vietnam Airlines nên cổ phần hoá mạnh hơn nữa, để thu hút các nhà đầu tư tư nhân Việt Nam tham gia quản trị doanh nghiệp này; chi phí bán hàng, quản lý, tài chính. Đồng thời cấu trúc lại mạng lưới đường bay, tập trung nguồn lực vào các đường bay tiềm năng, có khả năng củng cố hiệu quả", PGS.TSKH Võ Đại Lược cho hay.

TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, những khó khăn của Vietnam Airlines do khách quan từ dịch bệnh COVID-19 khiến khách du lịch giảm, đi lại và vận chuyển hàng hoá giảm.

"Tôi cho rằng, phải đến hết năm 2025, lĩnh vực hàng không của Việt Nam mới phục hồi hoàn toàn. Do vậy, tình hình tài chính của Vietnam Airlines cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn. Khả năng cắt lỗ có thể phải đến 6 tháng đầu năm 2024", TS Cấn Văn Lực nói.

Hiện nay, Vietnam Airlines vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Đây là báo cáo quan trọng quyết định khả năng tiếp tục được niêm yết của cổ phiếu HVN (Vietnam Airlines). Nếu sau kiểm toán, Vietnam Airlines vẫn lỗ trong năm 2022 thì sẽ rơi vào diện thua lỗ 3 năm liên tiếp và có thể sẽ bị huỷ niêm yết trên sàn chứng khoán.

"Theo quy định của hoạt động chứng khoán, có khả năng Vietnam Airlines sẽ không được niêm yết. Đây là quy định chung, nhưng tôi cho rằng cần cân nhắc đặc thù từng ngành, từng nghề, ngành hàng không cũng đang phục hồi tích cực", ông nói.

Theo TS Cấn Văn Lực, việc Vietnam Airlines thua lỗ có nguy cơ mất vốn nhà nước, do vậy, ông hi vọng, năm sau, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này khá hơn, có thể bù đắp lại. Hiện tại, Vietnam Airlines đang có nhiều trợ lực như giãn, hoãn thuế; lãi suất đã và đang được điều hành giảm; giữ nguyên nhóm nợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn