MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các hợp tác xã mong muốn phía ngân hàng sẽ rút ngắn thời gian và thủ tục cho vay. Ảnh: PHONG NGUYỄN

Khoảng 2% số hợp tác xã tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng

Hà Lê LDO | 23/04/2024 17:41

Có trên 40 tổ chức tín dụng tham gia cho vay kinh tế tập thể, hợp tác xã nhưng kết quả đầu tư tín dụng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao chủ yếu do khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn của phần lớn hợp tác xã còn hạn chế.

Tại hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức ngày 24.4, ông Phạm Công Bằng - Tổng Giám đốc Quỹ hỗ trợ Phát triển Hợp tác xã Việt Nam cho biết, chỉ có khoảng 2% số hợp tác xã trong cả nước tiếp cận được vốn các tổ chức tín dụng, chỉ khoảng 10% số hợp tác xã được vay vốn của các quỹ Trung ương và địa phương; 0,5% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay của các tổ chức tín dụng trong khu nhu cầu vốn của khu vực kinh tế tập thể là rất lớn.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, một trong những khó khăn của hợp tác xã hiện nay chính là vấn đề vốn. Số liệu khảo sát trên 300 hợp tác xã thì đến 80% hợp tác xã phải vay ở thị trường phi chính sách và hệ thống tín dụng đen với lãi suất cao, thời gian ngắn, chủ yếu phục vụ cho đáo nợ, chờ vốn tín dụng.

Cũng theo bà Cao Xuân Thu Vân, các tổ hợp tác rất khó tiếp cận các nguồn vốn. Do đó, cần phải có nhiều giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với hợp tác xã kể cả cơ chế, chính sách hỗ trợ, các quy định hướng dẫn để thực hiện Luật Hợp tác xã có hiệu lực từ 1.7.2024, các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước như Quỹ phát triển hợp tác xã, các chính sách về công nghệ, phát triển thị trường trong, ngoài nước. Bên cạnh đó, sự nỗ lực của bản thân từng hợp tác xã, của từng thành viên để tổ chức hoạt động, quản lý một loại hình kinh tế tập thể phù hợp, hiệu quả, đúng bản chất. Hiện các mô hình này chỉ vay được từ nguồn hỗ trợ từ Hội Nông dân, Hội Phụ nữ nhưng những nguồn này vẫn chưa đủ để giúp các tổ hợp tác mở rộng và phát triển.

Tại Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định, để hỗ trợ hợp tác xã phát triển, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đang triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước trong đó hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã được vay ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nêu rõ: Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của kinh tế tập thể, hợp tác xã, tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho vay nói chung và hợp tác xã nói riêng như: Khảo sát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn để đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định tạo thuận lợi tăng cường tiếp cận tín dụng của người dân doanh nghiệp, hợp tác xã; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn