MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiến sĩ Cấn Văn Lực trả lời bên lề Hội thảo.

Khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam gặp khó khăn về vốn

CAO NGUYÊN LDO | 05/04/2019 18:35

Các chuyên gia cho rằng khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về vốn. Tuy nhiên, không phải cứ "vướng" về vốn là nghĩ ngay tới ngân hàng. 

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định như vậy ở hội thảo "Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo nắm bắt thời cơ phát triển" do Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Ibosses Việt Nam tổ chức ngày 5.4 tại Hà Nội.

Ông Lực cho biết "start-up" (khởi nghiệp) được nhắc đến ở Việt Nam rất nhiều trong những năm qua. "Nhiều người đã khởi nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ nhưng không đủ kiến thức, tâm huyết nên không ít trường hợp nhận thất bại", chuyên gia này nói.

Đánh giá nguồn vốn là một trong những yếu tố quan trọng của khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, ông cũng cho rằng song hành với đó là các kinh nghiệm về thị trường, về quản trị điều hành và sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi "làm ăn lớn".

Ông Cấn Văn Lực chia sẻ một số bạn trẻ khởi nghiệp không đủ tâm huyết nên đã thất bại.

Về vấn đề nguồn vốn khi khởi nghiệp, ông Lực cho biết ở Việt Nam có tâm lý chung khi thiếu tiền là nghĩ ngay đến ngân hàng, nhưng đây không phải là suy nghĩ đúng đắn.

Ông Lực cũng chỉ ra thực tế để các "start-up" tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, vay được vốn là vô cùng khó khăn, vì bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp (DN), cần tuân thủ các quy định và cơ chế thị trường.

"Đặc biệt, ở Việt Nam, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế diễn ra rất phổ biến. Trong khi đầu tư cho khởi nghiệp thì rủi ro cao, nên khi xảy ra cho vay mà mất vốn thì cả bên vay và bên cho vay đều gặp vấn đề" - chuyên gia Cấn Văn Lực chia sẻ.

Vị chuyên gia cũng dẫn con số khảo sát ở Châu Âu cho thấy 85% DN khởi nghiệp huy động nguồn vốn của chính mình, người thân và bạn bè, sau đó đến các quỹ đầu tư. Để khởi nghiệp, cần có ít nhất một nửa số vốn từ việc huy động bạn bè, người thân, các mối quan hệ, sau đó mới đến phương án đi vay.

Bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch Đầu tư ở giữa) chia sẻ tại cuộc hội thảo. Ảnh CN.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bà Bùi Thu Thủy, cũng thừa nhận những khó khăn của DN nhỏ và vừa khi khởi nghiệp sáng tạo. "Hiện nay, đi vay ngân hàng rất khó, bởi vì họ cần có dự án khả thi, minh chứng đủ dòng tiền, bao lâu trả lại cho ngân hàng, kế hoạch ra sao",bà Thủy nêu thực tế.

Bà Thủy cho rằng vai trò của các nguồn quỹ, các nhà đầu tư hiện nay là rất quan trọng.

Theo bà Thủy, nhiều nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi muốn tìm kiếm các dự án khả thi, có tiềm năng để đầu tư với mong muốn cho ra đời những sản phẩm tốt, đủ sức cạnh tranh và tạo ra sự khác biệt.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Ibosses Việt Nam - Tăng Ngọc Trường An cho biết, đối với các DN nhỏ và vừa, việc thu hút vốn đầu tư thông qua các dự án từ vốn nhà nước đồng nghĩa với việc Nhà nước cần phải hỗ trợ không những về chính sách mà các thủ tục về doanh nghiệp kéo dài nhiều năm.

“Ibosses kỳ vọng hiện thực hóa giấc mơ mang lại cho DN nhỏ và vừa Việt Nam đi trên con đường hội nhập quốc tế, theo chuẩn mực quốc tế”, ông An nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn