MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dòng tiền nội đang hấp thụ khá tốt sức bán ròng của khối ngoại. Ảnh: Lê Toàn

Khối ngoại vẫn mạnh tay bán ròng trên thị trường chứng khoán

Gia Miêu LDO | 16/06/2024 10:49

Áp lực bán từ nhà đầu tư nước ngoài (khối ngoại) đã gia tăng mạnh trong tuần vừa qua khi ghi nhận con số hơn 5.500 tỉ đồng, gấp hơn ba lần so với tuần trước đó.

Trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục chuỗi bán ròng mạnh với cả năm phiên đều trong trạng thái này. Theo đó, trong tuần từ ngày 10-14.6, tổng cộng đã bán ròng hơn 138 triệu đơn vị, với giá trị bán ròng tương ứng hơn 5.590 tỉ đồng. So với tuần đầu tháng 6, khối ngoại bán ròng chỉ 36,33 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng 1.558,45 tỉ đồng.

Trên sàn HNX, trong tuần qua nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 4 triệu đơn vị trong phiên đầu tuần, nhưng đã mua ròng trong cả bốn phiên còn lại. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng nhẹ hơn 0,6 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng gần 49 tỉ đồng. Tuần trước đó, họ bán ròng 29.990 đơn vị, nhưng tổng giá trị mua ròng đạt 5,94 tỉ đồng.

Như vậy, tuần qua giao dịch từ ngày 10-14.6 trên hai sàn giao dịch chính, khối ngoại đã bán ròng hơn 137,5 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng gần 5.541,5 tỉ đồng. Tính từ đầu năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 40.000 tỉ đồng trên cả 3 sàn. Điều này cho thấy động thái bán ròng của khối ngoại đã kéo dài từ đầu năm 2024 và thậm chí từ năm 2023. Vốn ngoại cũng đang rút ròng mạnh tại hầu hết các quỹ ETF với hơn 8.000 tỉ đồng từ đầu năm 2024 tới hết tháng 4.

TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc Quỹ đầu tư DG Capital - phân tích, việc khối ngoại bán ròng có thể từ nhiều nguyên nhân, bao gồm sự xoay chiều của dòng vốn do biến động tỉ giá, khiến đồng nội tệ mất giá so với USD. Sự biến động này làm tăng rủi ro tổng thể cho khối ngoại khi đầu tư vào chứng khoán Việt Nam.

Ngoài ra, khối ngoại có thể bán ròng do họ chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia có lợi suất chứng khoán hấp dẫn hơn, chẳng hạn Trung Quốc, nơi thị trường chứng khoán đã giảm 30% từ năm 2020 đến đầu năm 2024. Việc bán ròng của khối ngoại trong giai đoạn này ngoài việc tái cơ cấu danh mục đầu tư, còn đến từ việc rút vốn của các quỹ ETF lớn như Fubon, ETF của DC…

Điểm đáng chú ý là khi khối ngoại trở thành bên bán ròng mạnh nhất thì nhà đầu tư cá nhân đang đóng vai trò cân bằng và hỗ trợ thị trường chung.

Các chuyên gia nhận định, nền tảng tạo nên sức mạnh của dòng tiền nội là lãi suất huy động dù đã tăng nhưng vẫn đang ở mức nền thấp so với quá khứ; sự tham gia của nhà đầu tư mới thông qua hoạt động mở tài khoản mới; tiền gửi tại các công ty chứng khoán vẫn duy trì tăng tốt và thị trường quốc tế tích cực hỗ trợ cho tâm lý và kỳ vọng vào chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường.

Với việc giá vàng trong nước giảm mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thay đổi phương pháp để bình ổn thị trường vàng, đồng thời lãi suất huy động tại các ngân hàng chỉ vừa trở về mức trung bình nhiều năm, hiện dòng tiền có hai kênh đầu tư chính để hướng đến là chứng khoán và bất động sản.

Trong đó, với lợi thế có thanh khoản cao và có hiệu suất sinh lời khá tốt tính từ đầu năm 2024 (khoảng 13,95%), kênh chứng khoán dự báo vẫn là kênh thu hút được sự tham gia đông đảo của giới đầu tư.

Theo dữ liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán, thị trường đã có hơn 132.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 5, nâng tổng số tài khoản lên mức hơn 7,9 triệu - mức cao nhất trong lịch sử. Sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân là động lực chính giúp thị trường hấp thụ được lực bán mạnh từ khối ngoại khi nhóm này bán ròng tính từ đầu năm 2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn