MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm. Ảnh: MPI

Khơi thông ách tắc, thúc đẩy đầu tư công từ những tháng đầu năm

Vũ Long LDO | 27/01/2021 20:11

Để đạt hiệu quả giải ngân đầu tư công năm 2021, ngay từ đầu năm, các địa phương đã quyết liệt triển khai các giải pháp thực hiện.

Ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm

Năm 2021, tỉnh Tiền Giang bố trí vốn đầu tư công trên 3.703 tỉ đồng, trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách địa phương trên 2.973 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách Trung ương, theo nguyên tắc bố trí đủ vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 dự kiến cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm để phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư.

Đối với các dự án bố trí vốn quá thời gian quy định của giai đoạn 2016 - 2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 - 2025 phải tập trung bố trí vốn hoàn thành trong năm 2021.

UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện bố trí đầu tư công theo nguyên tắc: Ưu tiên bố trí các dự án khởi công mới thuộc lĩnh vực giao thông, phòng, chống thiên tai, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới... Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới.

Tỉnh Hà Nam xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu kinh tế năm 2021, trong đó chú trọng tổ chức xây dựng và triển khai ngay kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sau khi được thông qua.

Mới đây, UBND TP.Hà Nội yêu cầu đến hết ngày 31.1.2021 các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã, nhất là các chủ đầu tư chưa hoàn thành kế hoạch vốn được giao, cần tập trung, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là công tác hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giải ngân, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Ổn định kinh tế vĩ mô “tiếp sức” cho đầu tư công

Theo TS Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chính phủ cần tiếp tục củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin với cộng đồng doanh nghiệp để cùng chung tay vượt qua thách thức, cùng tiến tới phục hồi kinh tế.

“Bên cạnh đó, cần khơi thông trách nhiệm hiệu quả hơn nữa để tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công trong năm 2021, làm hình mẫu cho những năm tiếp theo của nhiệm kỳ” – TS Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Lao Động, PGT.TS Nguyễn Thường Lạng – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho rằng, sự quyết liệt đốc thúc đồng bộ của Chính phủ gắn với cơ chế hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án đầu tư công đang triển khai và dự án mới như: Cơ chế giải phóng mặt bằng, thu xếp vốn, giải ngân, thủ tục thuận lợi, minh bạch; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, số hóa quy trình; tăng cường kỷ luật công việc, áp dung quản trị KPI. Để giải quyết được các vấn đề trên, người đứng đầu Chính phủ đã có sự đốc thúc và sâu sát bằng các thông điệp phù hợp, kịp thời để giải quyết ách tắc.

Để giảm thiểu sự trì trệ cần đánh giá tiến độ triển khai, thông báo cơ quan quản lý các cấp, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan. Nếu khách quan do dịch bệnh, gián đoạn nguồn cung, chậm do cách ly xã hội... thì giải pháp là tăng tốc, làm ca 3, nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý tinh gọn, thông minh dựa trên thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0.

"Nếu nguyên nhân chủ quan do bộ máy thì cần cải tổ, tái cơ cấu, sắp xếp đội ngũ theo hướng khoa học. Nếu trì trệ không thể khắc phục do thiếu trách nhiệm thì áp dụng theo nguyên tắc quản lý cán bộ. Đối với dự án chậm có thể phạt chậm tiến độ" - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nói.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Thường Lạng, cần phải thay đổi nhà thầu thiếu năng lực... thậm chí dừng dự án nếu không có giải pháp nào có thể thay thế tốt hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn