MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khơi thông điểm nghẽn và kỳ vọng về gạo Việt Nam

Văn Sỹ LDO | 22/06/2022 14:03

Cần Thơ- Ngày 22.6, tại Cần Thơ diễn ra Hội thảo với chủ đề “Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam”.

Hội thảo đánh giá, lúa gạo vừa là nguồn lương thực quan trọng, vừa là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam. Trung bình một năm, Việt Nam sản xuất trên dưới 26 – 28 triệu tấn gạo, sau khi dành cho tiêu thụ trong nước, khối lượng gạo xuất khẩu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo/năm, trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa chính chiếm đến hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Quang cảnh Hội thảo “Khơi thông dòng chảy Gạo Việt Nam.  Ảnh: Văn Sỹ

Những năm gần đây, ngành gạo đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt được nhiều kết quả. Hàng năm, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Hạt gạo Việt Nam đã có mặt trên 150 nước và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu chính là Châu Á, trong đó, Philippines và Trung Quốc là hai thị trường chủ yếu.

Theo các chuyên gia, những tổn thất sau thu hoạch lên tới trên, dưới 14%/năm là hết sức lãng phí. Để giảm tổn thất sau thu hoạch lúa gạo ở ĐBSCL, sấy và bảo quản lúa là 2 công đoạn then chốt cần đặc biệt quan tâm.

Tại hội thảo, ông Phạm Quang Diệu - chuyên gia phân tích thị trường chia sẻ, thương nhân quốc tế công nhận sức cạnh tranh của gạo Việt Nam tốt hơn.

Ông Phạm Quang Diệu - Chuyên gia phân tích thị trường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Văn Sỹ

Theo ông Diệu, gần đây thông tin về thị trường lúa gạo thương nhân nắm bắt nhanh và phản ứng linh hoạt. Bởi thông tin về tiến độ sản xuất, chủng loại giống, chất lượng lúa gạo rất quan trọng. Nếu nắm bắt cung tốt giúp hoạch định chính sách kinh tốt, dự báo tốt, khi nào mua vào bán ra, mức giá. 

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển Thị trường nông sản cho biết,ngành lúa gạo có vai trò quan trọng, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn là ngành hàng phát triển gắn liền với yếu tố sinh thái và văn hóa lúa nước của Việt Nam. Do đó, vấn đề đặt ra là không chỉ khơi thông những gì đang tắc nghẽn mà phải khơi thông cả những kỳ vọng đối với ngành lúa gạo.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến & Phát triển TTNS tham gia hội thảo qua kênh trực tuyến. Ảnh: Văn Sỹ

Theo ông Toản, nhiều cơ chế, chính sách để phát triển ngành lúa gạo đã được đề ra, tuy nhiên trong thực tiễn vẫn có những nút thắt. Cơ quan nhà nước cần thúc đẩy hỗ trợ các chi phí hạ tầng liên kết, thành lập những tổ công tác cộng đồng liên kết bà con nông dân với các hợp tác xã.

Đại biểu dự hội thảo “Khơi thông dòng chảy gạo Việt Nam”. Ảnh: Văn Sỹ

“Tôi hy vọng hạt gạo Việt Nam không chỉ dừng ở doanh số xuất khẩu 3 tỉ USD mỗi năm mà còn hướng đến giảm số lượng xuất khẩu nhưng tăng giá trị hạt gạo, giá thành xuất khẩu”, ông Toản nói.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Intimex Group đánh giá: “Giá lúa không giảm nhưng phân bón, chi phí vận tải tăng đột biến. Người nông dân muốn thay đổi cơ cấu cây trồng sang cây khác, nếu không nhìn, nghĩ sớm, một ngày nào đó, chúng ta sẽ giật mình vì diện tích lúa giảm dần”.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Văn Sỹ

Về vấn đề mở rộng thị trường, ông Nam cho rằng, cần chú trọng tính bền vững. Vấn đề cạnh tranh hợp đồng của doanh nghiệp để tranh thủ bán hàng sớm với giá thấp làm cạnh tranh nội bộ doanh nghiệp cần được bàn bạc và khắc phục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn