MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường kính sản xuất trong nước bị đường ngoại cạnh tranh gay gắt bởi giá thành cao, lượng tồn kho nhiều. Ảnh: PV

Không áp dụng hạn ngạch thuế quan đường nhập khẩu từ các nước ASEAN

M.M LDO | 15/11/2019 16:15

Từ 1.1.2020, sẽ không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường có xuất xứ từ các nước ASEAN.

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 23/2019/TT-BCT quy định việc không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường kính có xuất xứ từ các nước ASEAN.

Theo đó, từ 1.1.2020, khi thông tư có hiệu lực,  số lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN không tính vào lượng hạn ngạch thuế quan hàng năm do Bộ Công Thương công bố theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) áp dụng với các nước WTO.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý nhập khẩu phù hợp với cam kết quốc tế để đảm bảo cạnh tranh công bằng, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước nếu có sự gia tăng đột ngột của hàng nhập khẩu dẫn đến thiệt hại cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Đến thời điểm này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã gửi thông báo tới các đối tác ASEAN về việc tạm đình chỉ thực hiện Điều 20 tại Hiệp định ATIGA đến hết năm 2019 đối với mặt hàng đường. Đồng thời khẳng định, Việt Nam sẽ chính thức bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN theo cam kết ATIGA (Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN) kể từ ngày 1.1.2020.

Theo cam kết ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN từ ngày 1.1.2018. Tuy nhiên, trước đề xuất của Hiệp hội Mía đường, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ cho hoãn thực thi cam kết ATIGA 2 năm để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mía đường và người nông dân có thêm thời gian cải tiến công nghệ, quy trình, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm mía đường để có thể cạnh tranh với đường ngoại nhập.

 Đến nay, việc xóa bỏ hạn ngạnh thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết ATIGA là không thể trì hoãn thêm được nữa.

Trong nhiều năm gần đây, ngành mía đường Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn bởi bị đường ngoại, đặc biệt là đường nhập lậu cạnh tranh gay gắt. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đường cát sau khi được tập kết dọc các tỉnh biên giới Lào và Campuchia, được chuyển lậu bằng đường bộ và đường thủy vào nước ta, sau đó tập kết và vận chuyển bằng ôtô tải về các điểm tiêu thụ là kho của các doanh nghiệp, thương nhân. Các đầu nậu buôn lậu công khai đến mức giữ nguyên bao bì in nhãn mác, chữ Thái Lan.

Ngoài việc buôn lậu đường để nguyên nhãn mác, đường lậu còn được “gắn mác” bao bì các Công ty đường trong nước như (Biên Hòa, Lam Sơn, Quảng Ngãi)… Các tư thương đã sang bao, đóng gói 1kg, 50kg và biến đường nhập lậu thành đường của các doanh nghiệp có uy tín trong nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn