MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không cần tiết kiệm nhiều nhưng hãy duy trì trong ít nhất 20 năm

Đức Mạnh LDO | 19/06/2022 06:25

Nhiều người tiết kiệm điên cuồng trong thời gian đầu nhưng nhanh chóng bỏ cuộc. Theo GS.TS Andreas Stoffers, bạn chỉ cần tiết kiệm và đem đi đầu tư đều đặn trong ít nhất 20 năm, lãi suất kép sẽ "hô biến" nó lên đến hàng tỉ đồng.

Đầu tư phải luôn dự phòng quỹ khẩn cấp

Trở lại với chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn), GS.TS Andreas Stoffers - Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann tại Việt Nam khuyên mỗi người nên học đầu tư ngay từ hôm nay. 

Ông chia sẻ: "Kênh đầu tư nào thực sự phù hợp với bạn? Bạn cần phải là người hiểu rõ điều đó hơn ai khác. Hãy bắt đầu với một khoản tiết kiệm nếu bạn chưa biết cách đầu tư. Đặc biệt, đừng mạo hiểm với những kiểu đầu tư hứa hẹn có thể làm giàu nhanh".

Chuyên gia tài chính thông minh khuyên mỗi người có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách học và hiểu rõ những nơi mình đang đổ tiền vào. Cũng đừng quên đầu tư vào chính bản thân mình bởi kiến thức có thể giúp bạn mang về lợi nhuận cao hơn.

Ông nhấn mạnh rằng chuẩn bị một quỹ khẩn cấp là rất quan trọng. Nếu có quỹ này, bạn sẽ không lo phải bán các khoản đầu tư của mình với giá bèo bọt.

Theo GS.TS Andreas Stoffers, 9%/năm là lợi nhuận từ chứng khoán, dựa theo tăng trưởng của chỉ số MSCI World đo lường chứng khoán toàn cầu. Còn 4% là lãi suất tiết kiệm trung bình tại Việt Nam từ giữa năm 2021 và đầu năm 2022. Ảnh: Đức Mạnh 

Ít nhưng đều - bí quyết để giàu có bền vững 

Bí quyết để thành công về mặt tài chính là các khoản gửi tiết kiệm thường xuyên. Tiết kiệm thường xuyên sẽ tốt hơn so với tiết kiệm quá nhiều ngay từ đầu và sớm bỏ cuộc. 

"Với kinh nghiệm 18 năm làm ngân hàng, tôi từng gặp nhiều khách hàng bắt đầu tiết kiệm một cách phi thực tế ngay từ đầu và sau vài tháng thì dừng lại.

Hầu hết khách hàng của tôi đã đánh giá thấp tác động của lãi suất kép và đánh giá quá cao khả năng tiết kiệm của chính họ. Đơn giản là họ muốn tiết kiệm quá nhiều và quá nhanh. Đến một thời điểm, họ đã bỏ cuộc và tậu ngay một chiếc xe máy, ôtô, đồng hồ hay một chuyến du lịch tuyệt vời. Một vài người tiết kiệm được lâu hơn nhưng lại từ bỏ để mua bất động sản. Và sau đó, họ thường không còn tiền để tiết kiệm hay đầu tư nữa", chuyên gia cho biết.

Ông đưa ra ví dụ về lãi suất kép. Ngoài khoản tiền gửi ban đầu là 10 triệu đồng, bạn chỉ cần dành ra 100.000 đồng mỗi tháng từ tiền lương và đều đặn bỏ vào quỹ đầu tư. Với lãi suất 9%/năm, 10 triệu đồng ban đầu sẽ tăng lên gần 120 triệu sau 20 năm. 30 năm sẽ lên 304 triệu và sau 40 năm sẽ lên tới 739 triệu đồng.

Thu nhập một người sẽ tăng lên theo từng năm, tỉ lệ tiết kiệm hàng tháng sẽ đồng thời tăng lên tương ứng. Đây được gọi là "tỉ lệ tiết kiệm linh động". Tỉ lệ này cần "thắng" tỉ lệ lạm phát. Tài sản bạn kiếm được sau vài chục năm từ 10 triệu đồng cộng với khoản tiết kiệm không ngừng tăng sẽ lên đến hàng tỉ đồng, miễn là bạn kiên trì thực hiện.

Lời khuyên của GS.TS Andreas Stoffers là mỗi người nên tiết kiệm ít hơn nhưng hãy duy trì điều đó một cách thường xuyên và kiên trì trong ít nhất 20 năm.

Độc giả/khán giả có thể xem video Tài chính thông minh tại đường link sau.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!

Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và viện Friedrich Naumann Việt Nam (FNF). Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ Năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, tổ chức tài chính uy tín… cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn