MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nếu tái đàn ở các trang trại đã có dịch khiến dịch tả lợn Châu Phi tái nhiễm, người chăn nuôi không được hỗ trợ kinh phí tiêu hủy lợn. Nguồn: Cục Thú y

Khống chế dịch tả lợn Châu Phi, tái đàn an toàn để tăng nguồn cung thịt lợn

L.V LDO | 05/12/2019 16:16
Để tăng thêm nguồn cung thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các địa phương tái đàn an toàn, không để dịch tả lợn Châu Phi tái nhiễm.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong tháng 11.2019, giá lợn hơi trong nước biến động tăng do nguồn cung giảm. Trên thị trường xuất hiện hiện tượng găm hàng làm tăng giá của một số đơn vị kinh doanh buôn bán thịt lợn. Ngoài ra, tâm lý lo lắng thiếu nguồn cung nên người chăn nuôi có xu hướng nuôi lợn lên đến 170-180kg/con thay vì 90-110kg/con như thông thường để chờ tăng giá.

Bên cạnh đó,  tác động của tình trạng thương lái thu gom lợn để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc qua đường mòn, lối mở. Tại miền Bắc, giá lợn hơi tăng 10.000–11.000 đồng/kg. Tại Hưng Yên giá 76.000 đồng/kg, Hà Nội: 73.000 đồng/kg, Lào Cai: 78.000 đồng/kg, Thái Nguyên và Ninh Bình: 77.000 đồng/kg các địa phương còn lại giá 70.000–76.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng tăng với mức tăng 15.000-16.000 đồng/kg. Tại miền Nam, giá lợn hơi cũng tăng mạnh từ 13.000–15.000 đồng/kg. Dự báo, giá thịt lợn thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu tăng cao đợt cuối năm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.

Tại cuộc họp Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai các biện pháp để khống chế dịch tả lợn Châu Phi, mặt khác khuyến khích người chăn nuôi tái đàn.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, một số hộ chăn nuôi tại Bắc Giang-thủ phủ chăn nuôi lớn thứ 2 tại miền Bắc (sau Hà Nội) bày tỏ băn khoăn: Dịch tả Châu Phi chưa được khống chế, tại các trang trại chăn nuôi đã bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi và có lợn bệnh bị tiêu hủy, người chăn nuôi chưa được phép tái đàn  nếu không đảm bảo an toàn. Nếu hộ chăn nuôi nào để xảy ra tình trạng dịch tả lợn Châu Phi tái nhiễm ở các trang trại cũ, sẽ phải chịu trách nhiệm và không được hỗ trợ tiêu hủy. Chính vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi khá e ngại trong việc tái đàn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng khẳng định việc tái đàn lợn an toàn tại thời điểm dịch tả lợn Châu Phi chưa dứt là hoàn toàn không dễ. Do đó, cần phát triển thêm số lượng lợn tại các trang trại an toàn, tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có 6 hội nghị để chỉ đạo, phổ biến, hướng dẫn tái đàn lợn, để nhân rộng các mô hình gia trại, trang trại, doanh nghiệp và tỉnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, sử dụng chế phẩm tăng cường sức đề kháng, do đó hạn chế dịch tả lợn châu Phi. Nhiều địa phương cũng đã chỉ đạo tái đàn có kết quả để cung cấp lợn thịt cho thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có 6 giải pháp, trong đó tập trung làm tới cùng công tác phòng, chống dịch bệnh. Phải tái đàn ở các doanh nghiệp lớn, trang trại, gia trại, hộ gia đình phải cam kết đảm bảo an toàn sinh học.  Phải nhân rộng nhanh các mô hình an toàn sinh học trong sản xuất. Đẩy mạnh chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm đảm bảo ba nguyên tắc: Đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; cân đối cung cầu; đảm bảo an sinh. Ngăn chặn không cho lợn và sản phẩm lợn bán bất hợp pháp qua biên giới và nhập lậu lợn và sản phẩm lợn vào nước ta…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn