MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khống chế tỉ lệ điện mặt trời vì nhiều hệ luỵ

Cường Ngô LDO | 13/10/2021 19:10
Do điện mặt trời tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam nên việc huy động cho miền Bắc sẽ gặp những hệ luỵ không nhỏ cho an toàn vận hành hệ thống điện. Chính vì vậy, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, cần khống chế tỉ lệ huy động điện mặt trời ở mức chấp nhận được.

Cần giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên nhiên liệu nhập khẩu

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ - đã đưa ra kế hoạch dừng xem xét quy hoạch một số dự án nhiệt điện than được phê duyệt trong quy hoạch, nhưng không được địa phương ủng hộ, hoặc không đủ điều kiện phát triển.

Trao đổi với Lao Động, bà Nguỵ Thị Khanh - Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh - cho rằng, việc giảm điện than phù hợp với xu thế chung của thế giới khi nhiều quốc gia đã và đang chuyển hướng sang sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Cũng theo chuyên gia này, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, như phát triển điện mặt trời nổi trên các công trình thủy điện để tận dụng nhà máy, đường dây truyền tải từ các dự án thủy điện; điện gió ngoài khơi cũng cần được xem xét, gắn với phát triển hydro; giải pháp về tích trữ năng lượng, hay phân tán điện mặt trời.

"Tôi cho rằng Quy hoạch Điện VIII vẫn nên kiên trì và tiếp tục mục tiêu tạo cơ hội tối đa, khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo trong nước.

Bởi lẽ đây là các dạng năng lượng không bị phụ thuộc vào nhiên liệu than, khí, biến động giá thị trường. Từ đó, có các chính sách, tạo thị trường để tháo gỡ, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng này" - bà Khanh nêu quan điểm.

Theo chuyên gia, nên kiên định phát triển nguồn năng lượng sạch, trong đó có điện gió, điện mặt trời. Ảnh: MOIT 

Trao đổi với Lao Động, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh - cho rằng, tầm nhìn dài hạn vẫn phải đẩy mạnh năng lượng tái tạo và giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

Dù vậy, ông Sơn khẳng định, hiện nguồn năng lượng tái tạo chưa giải quyết được vấn đề lưu trữ, khi cần huy động sẽ rất khó khăn. Cần có giai đoạn chuyển tiếp trong vòng 10 năm. Sau năm 2030 mới nên đẩy tỉ trọng năng lượng tái tạo ở mức cao hơn. Có như vậy mới làm chủ được vấn đề an ninh năng lượng.

Khống chế tỉ lệ điện mặt trời ở mức chấp nhận được

Ông Phạm Nguyên Hùng – Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2019 và 2020, sản lượng điện phát từ nguồn năng lượng tái tạo đạt tương ứng 5.242 tỉ kWh và 10.994 tỉ kWh. Điều này đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao.

Các nguồn năng lượng tái tạo đã hỗ trợ tích cực trong việc cung cấp nguồn điện cho miền Bắc khi miền Bắc thiếu nguồn, phụ tải tăng cao, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021-2025, giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khá.

Tuy nhiên, năng lượng tái tạo cũng có những hệ luỵ không nhỏ cho an toàn vận hành, an ninh hệ thống điện, tăng truyền tải đường dây 500 KV (do điện mặt trời/điện gió hầu hết phát triển ở khu vực miền Nam và miền Trung, nơi có tiềm năng tốt hơn).

Điều này tác động đến huy động công suất và số lần tăng giảm công suất của các nhà máy nhiệt điện, tua bin khí; làm tăng chi phí, nhất là trong điều kiện hiện tại một số loại hình năng lượng tái tạo vẫn đang có giá thành đắt hơn nhiều so với giá thành bình quân ngành điện.

Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. Ảnh: Cường Ngô 

Đối với điện mặt trời, ông Phạm Nguyên Hùng đề xuất cần khống chế tỉ lệ điện mặt trời ở mức chấp nhận được (khoảng 20% công suất hệ thống), kết hợp với việc phát triển các nguồn linh hoạt như thuỷ điện tích năng, nguồn động cơ đốt trong và nâng cao khả năng điều khiển hệ thống điện cho các Trung tâm điều độ. 

Ưu tiên hơn phát triển điện mặt trời mái nhà, với quy định tỉ lệ điện tự sử dụng tại chỗ (có thể là khoảng 80% tự sử dụng, 20% sản lượng thừa cho phép bán ra hoặc một tỉ lệ hợp lý khác);

Đồng thời, xây dựng chính sách hợp lý cho các dự án lưu trữ năng lượng theo hướng khuyến khích chủ đầu tư các dự án đầu tư hệ thống lưu trữ khi giá thành hệ lưu trữ phù hợp. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn