MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không chỉ có "màu hồng", ngành nông nghiệp vẫn nhiều “mảng xám”

Vũ Long LDO | 31/12/2021 09:25
Mặc dù năm 2021 ngành nông nghiệp gặt hái nhiều thành công, nhưng bên cạnh đó còn nhiều "mảng xám" cần khắc phục. 

Giá thành quá cao

Mặc dù đánh giá cao về những thành tựu mà ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã đạt được trong năm qua (giá trị gia tăng tăng 2,85-2,9%, kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỉ USD), nhưng “vua tôm Minh Phú” Lê Văn Quang – Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng chỉ rõ: Trong 20 năm qua, ngành tôm đã đạt được kết quả tốt, nhưng do phát triển “nóng”, phát triển nhanh nên đã để lại hậu quả tương đối nặng nề về môi trường, về xã hội, làm vùng đất nước ở đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm bệnh tôm khá trầm trọng

“Do ngành tôm phát triển tự phát không được quy hoạch và phát triển theo quy hoạch, giá thành tôm Việt Nam cao, kém cạnh tranh. So sánh các nước như Ecuador chỉ có 250 ngàn hecta nuôi tôm nhưng sản lượng tương đương Việt Nam có tới 740 ngàn hecta. Giá thành tôm của Ecuador chỉ bằng 1/2-1/3 của Việt Nam” – ông Lê Văn Quang nói.

Ông Quang cũng cho biết thêm, so sánh với Ấn Độ, giá thành nuôi tôm thấp hơn Việt Nam từ 20-30%, bởi tôm được thả với mật độ thấp chỉ 30-60 con/m2 nên môi trường ít bị ô nhiễm, tỉ lệ sống cao, giá nhân công rẻ 100USD/người/tháng

Ông Quang thừa nhận tôm Việt Nam có giá thành cao nhưng vẫn xuất khẩu tốt do có công nghệ chế biến tôm đứng đầu thế giới, với nhiều mặt hàng cao cấp, giá trị gia tăng cao, hàng ăn liền, nhưng lợi thế này sẽ không còn trong 3-5 năm nữa.

"Do dịch bệnh, Ecuador không bán được nguyên con sang Trung Quốc nên đã chuyển sang sản xuất hàng giá trị gia tăng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nên năm 2021 đã nâng lên tỉ lệ 30%. Nếu Việt Nam không có giải pháp hữu hiệu thì chỉ trong 5-10 năm nữa ngành tôm Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh được” – “vua tôm” Lê Văn Quang cảnh báo.

Đối với tất cả các ngành khác như trồng trọt, chăn nuôi, giá thành cũng quá cao do giá nguyên liệu đầu vào, giá thức ăn chăn nuôi, phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật quá cao. Do đó, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu lấy “số lượng” để thu về giá trị kim ngạch lớn.

Xuất khẩu "thô" là chủ yếu

Trao đổi với PV Lao Động, doanh nhân Nguyễn Liên Phương – Chủ tịch nhóm công ty LPVN tại Việt Nam và UAE nhấn mạnh: Mặc dù gần đây đã chú trọng đến vấn đề bảo quản, chế biến, nhưng nhiều sản phẩm nông nghiệp như trái cây, rau quả cũng như các loại nông sản của Việt Nam chưa được chế biến sâu, chủ yếu là xuất khẩu thô. "Việc thiếu công nghệ trong chế biến và bảo quản đã khiến nông sản Việt Nam ở vào thế bấp bênh, khi thì ùn ứ dư thừa" - doanh nhân Nguyễn Liên Phương nói.

Thực tế đã chứng minh điều này khi hiện nay tại cửa khẩu biên giới phía Bắc, chỉ cần khâu kiểm dịch chậm lại là trên 4.500 xe hàng hóa, nông sản bị ùn ứ, nông sản bị thối hỏng phải đổ bỏ rất đau lòng.

Trăn trở về tình trạng xuất khẩu nhiều loại nông sản (chủ yếu là trái cây) của Việt Nam phải đi qua "cửa phụ", mới đây, chia sẻ ý kiến trên trang cá nhân, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập Khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, trong khi chờ đợi các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn thêm và nhiều lên, rất cần vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ nông dân, thương lái. Bài học tiêu thụ vải của Bắc Giang, Hải Dương, xoài, nhãn của Sơn La là những minh chứng rất rõ một khi chính quyền vào cuộc, đồng hành cùng nông dân thì việc tiêu thụ nông sản không phải là quá khó khăn.

“Vì chỉ có chính quyền mới có thể đứng ra tập hợp các nông dân, thương lái trên địa bàn, chỉ có chính quyền mới kêu gọi được các doanh nghiệp phân phối lớn đến cùng chung tay hỗ trợ, chỉ có chính quyền mới mời được các chuyên gia cả trong và ngoài nước đến hướng dẫn cho người nông dân, thương lái phải đóng gói thế nào, thực hiện truy xuất nguồn gốc ra sao, ...

Đương nhiên, cũng còn rất nhiều việc khác phải làm. Một việc cấp bách là đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để mở rộng danh sách trái cây được nhập khẩu ngoài 9 loại đã nêu ở trên, nếu không thì vú sữa, sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa, khoai lang vẫn mãi chỉ đi qua cửa khẩu phụ” – ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết của ngành NNPTNT (ngày 29.12.2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Vấn đề sau thu hoạch chưa thực sự chú trọng, như chế biến sau thu hoạch, đóng gói, bao bì, thương hiệu… cần cố gắng nhiều hơn nữa. Thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc vào 1 số thị trường nên khi các thị trường này biến đổi sẽ thụ động. Ngành NNPTNT cũng chưa xây dựng được thương hiệu, sản phẩm mang tính quốc gia mang tầm quốc tế. Xuất khẩu còn mất cân đối, ví dụ xuất khẩu gạo 3 tỉ USD nhưng nhập khẩu ngô, đậu đến 7 tỉ USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn