MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại các chợ dân sinh và siêu thị, cửa hàng tiện ích, các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng vẫn dồi dào. Ảnh: Kh.V

Không có hiện tượng người dân tích trữ thực phẩm vì sợ virus Corona

Khánh Vũ LDO | 04/02/2020 13:43
Lượng hàng hóa tại các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh và các nguồn cung khác đủ đáp ứng tiêu dùng của người dân kể cả trong trường hợp xấu nhất dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona xảy ra.

Mấy ngày gần đây, có thông tin cho rằng hiện tượng hết hàng sớm tại một số siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nhiều người nhận định, hiện tượng hết hàng sớm này do hàng hóa sau Tết chưa nhiều, nhưng cũng có ý kiến cũng cho rằng, một phần do tâm lý người dân mua tích trữ hàng hóa đề phòng dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona.

Khảo sát tại một số địa phương cho thấy, hiện tượng mua bán tại các chợ và trung tâm thương mại vẫn diễn ra bình thường. Chỉ khác một chút là khi đi chợ hay siêu thị, một số người dân có xu hướng mua sắm nhiều hơn trong mỗi lần để hạn chế sự đi lại.

Lượng thịt lợn được bán tại các chợ không bị giảm, sức mua ổn định, không có hiện tượng người tiêu dùng ồ ạt mua tích trữ. Ảnh: Kh.V

Tại chợ Cửa Đông (TP.Vinh, Nghệ An), lượng thủy, hải sản bắt đầu nhiều hơn do chợ đã họp bình thường trở lại. Sức mua tương đối tốt, không có hiện tượng thiếu hàng, dù số lượng hàng của từng người mua vào nhiều hơn.

"So với trước, mỗi lần đi chợ tôi mua dư đồ ăn để ăn trong 2-3 ngày, giảm bớt số lần đi chợ để đề phòng nguy cơ bị lây nhiễm virus Corona"- chị Anh Linh (15 Trịnh Hoài Đức, Vinh, Nghệ An) cho biết.

Lượng hàng hóa, thực phẩm trong siêu thị vẫn dồi dào. Ảnh: Kh.V
Tại Hà Nội, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua lượng thực, thực phẩm để tích trữ. Tuy nhiên, số lượng mua hàng của từng người cũng nhiều hơn so với trước đây.

“Diễn biến của dịch viêm hô hấp cấp do virus Corona như thế nào chưa thể chủ quan được, do vậy cả gia đình tôi đều hạn chế đến các nơi tụ tập đông người như bến xe, chợ, siêu thị hay các trung tâm thương mại, đề phòng nguy cơ bị lây bệnh. Do đó, mỗi lần mua hàng gia đình tôi mua nhiều hơn để hạn chế số lần phải đến nơi đông người” – chị Nguyễn Thị Lan Chi (phố Phạm Thận Duật – Hà Nội), cho hay.

Các mặt hàng nấm, rau xanh phong phú tại siêu thị Big C. Ảnh:Kh.v
Sáng 4.2.2020, phóng viên Báo Lao Động có mặt tại một số siêu thị VinMart, VinMart+ tại quận Cầu Giấy, Đống Đa (Hà Nội) nhận thấy: Lượng hàng trong các siêu thị vẫn dồi dào, sức mua không quá đột biến so với bình thường. Các quầy bán giò chả, xúc xích, sữa chua… lượng hàng vẫn đầy đủ. Quầy rau xanh ít mặt hàng hơn do đợt rét đậm kéo dài 2 tuần nay đã khiến lượng rau xanh ít hơn nhưng không có tình trạng "vét" sạch hàng hóa.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định: Rút kinh nghiệm từ hiện tượng mua bán khẩu trang vừa qua, Bộ Công Thương đã đề nghị các siêu thị, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, các chợ dân sinh… tăng nguồn hàng thêm 30-50% so với cùng kỳ năm 2019 để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Hoa quả tươi bán tại siêu thị VinMart. Ảnh: Kh.V
“Tình hình sản xuất, cung ứng hàng hóa trong nước vẫn chủ động và ổn định. Lượng hàng hóa đưa ra thị trường đảm bảo cung cấp đủ cho người tiêu dùng” – ông Trần Duy Đông nói.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Vincommerce, hệ thống các siêu thị của Vinmart cũng đã tăng 50% số lượng các mặt hàng: Gạo, mỳ, cháo ăn liền, thịt nguội, thực phẩm chế biến đông lạnh, trứng gia cầm…; tăng 30% số lượng mặt hàng thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, rau củ các loại; tăng 40% lượng thịt bò, thực phẩm chế biến…

Hệ thống siêu thị Big C cũng chuẩn bị lượng hàng hóa đủ để cung ứng cho người tiêu dùng. Ảnh: Kh.V
Ghi nhận thực tế cho thấy, tại các chợ dân sinh, lượng hàng hóa, thực phẩm khá dồi dào. Sáng 4.2.2020, giá một số thực phẩm đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong đó, thịt lợn giảm 5.000-10.000 đồng/kg; thịt bò giảm khoảng 20.000 đồng/kg; các mặt hàng thủy sản giảm khoảng 10.000-20.000 đồng/kg. Trong đó phổ biến: Cá trắm,  chép, diêu hồng: 70.000 đồng/kg, tôm đồng: 250.000 đồng/kg; rau xanh các loại cũng hạ nhiệt khoảng 10-20% tùy mặt hàng.
Hàng hóa dồi dào trong các siêu thị. Ảnh: Kh.V
Chị Trần Thị Hồng (Mê Linh, Hà Nội) cho biết: Ngoài chuẩn bị cho rằm tháng Giêng giá gà ta có tăng nhẹ ở mức 150.000 đồng/kg, các loại thực phẩm khác đã bắt đầu giảm nhẹ. “Lượng thịt lợn, bò tại các chợ đầu mối vẫn dồi dào, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Tôi đi chợ hàng ngày, lượng hàng bán ra vẫn duy trì ổn định, không có hiện tượng người tiêu dùng mua với số lượng lớn để tích trữ” – chị Hồng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn