MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Kim Nga (làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ) cho biết, do tình hình kinh tế khó khăn, chi phí vật tư cao nên bà giảm 50% số lượng hoa trồng so với năm 2023. Ảnh: Bích Ngọc

Không có lãi, nhà vườn sản xuất hoa tết miền Tây tính chuyện bỏ nghề

VÂN HI LDO | 05/01/2024 08:52

Trái với tâm lí háo hức khi sắp đến vụ hoa Tết, một số nhà vườn tại các tỉnh, thành miền Tây lại ngậm ngùi giảm số lượng hoa trồng so với năm trước vì lo lắng thị trường hoa tết ảm đạm. Thậm chí, một số nhà vườn tính đến chuyện bỏ nghề vì không có lãi.

Chật vật vụ hoa Tết

Sau thời điểm dịch COVID-19, tình hình kinh doanh gặp khó khăn, sức mua giảm đã khiến nhiều nhà vườn trồng hoa kiểng thấp thỏm lo lâu, chật vật cho vụ hoa tết sắp đến.

Tại TP Cần Thơ, gia đình bà Trần Thị Kim Nga (làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ, quận Bình Thủy) đang có một vụ mùa hoa tết chật vật vì chi phí đầu tư cao, thị trường tết ảm đạm.

Bà Nga cho biết: "Năm vừa rồi gia đình tôi trồng 2.000 chậu hoa kiểng, nhưng chỉ bán được chưa đến 1.800 chậu. Mấy tháng qua kinh tế khó khăn, tôi e rằng tết này người dân họ cũng ngại chi tiêu, do vậy năm nay chỉ trồng 1.000 chậu".

Theo bà Nga, đa số lượng hoa gia đình bà cung ứng cho thị trường là từ đơn đặt hàng của thương lái với giá dao động từ 50.000 - 120.000 đồng/chậu, tùy loại. Các loài hoa được trồng chủ yếu như vạn thọ, cúc mâm xôi, cát tường,...

"Nếu thương lái không đặt trước thì gia đình tôi cũng sẽ trồng ít hơn so với năm rồi vì sợ lỗ vốn. Tính giá vật tư, phân bón như hiện nay nếu bán lẻ, tôi buộc lòng nâng giá bán cao hơn thị trường thì mới có lời. Nhưng giá cao thì chắc chắn sẽ không có ai mua", bà Nga bộc bạch.

Thời điểm này, nhiều nhà vườn tất bật chuẩn bị vụ hoa tết, tuy nhiên theo dự đoán thị trường hoa tết năm 2024 không khả quan, sức mua giảm. Ảnh: Bích Ngọc

Đầu tư vào vườn hoa kiểng hơn 1.200 chậu, bỏ công tỉ mỉ chăm sóc, nhưng nhà vườn Phạm Văn Hải (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) hiện trông chờ mãi mà không có khách đến xem, đặt mua.

"Trước dịch COVID-19 người dân đến xem đặt mua hoa tầm 70-80%, nhưng sau dịch thì còn khoảng 40%. Năm nay tôi dự đoán sẽ còn sụt giảm vì kinh tế eo hẹp, người dân cũng tiết kiệm mua sắm hơn", ông Hải nói.

Tính chuyện bỏ nghề

Chi phí vật tư cao, sức mua giảm, tiền vốn và công sức bỏ ra nhiều nhưng thua lỗ, ông Nguyễn Văn Chiến (thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) ngậm ngùi bỏ nghề. Theo ông Chiến, gia đình ông sản xuất hoa vạn thọ là chủ yếu. Tuy nhiên, do buôn bán khó khăn nên ông đều thua lỗ.

"Năm trước tôi trồng 1.200 chậu hoa vạn thọ, trong đó 800 chậu là do thương lái đặt cọc, 400 chậu còn lại tôi bán lẻ ở chợ. Tuy nhiên, chỉ bán được hơn trăm chậu, số còn lại rơi vào 30 tết, tôi buộc lòng phải bán giá rẻ để còn về, năm đó tôi lỗ 2 triệu đồng", ông Chiến kể lại.

Buôn bán khó khăn khiến ông Chiến nản lòng phải bỏ nghề chuyển sang trồng rau cải. "Trồng hoa tết cũng gần chục năm, đắn đo lắm tôi mới quyết định bỏ. Giờ chuyển sang trồng rau cải, bán thời vụ, có bao nhiêu ăn bấy nhiêu, đầu tư ít nên cũng chẳng sợ lời lãi nhiều hay ít", ông Chiến bộc bạch.

Nhà vườn Trần Thị Kim Nga cho biết: "Nhà vườn chúng tôi chỉ có trông chờ vào vụ hoa tết, chỉ mong tết này, thị trường hoa bình ổn để gia đình có cái tết đủ đầy, chứ nếu không có lãi thì tôi cũng không dám chắc có duy trì nghề nữa không".

Theo thông tin từ Trạm khuyến nông quận Bình Thủy, TP Cần Thơ năm nay làng hoa của quận sẽ cho ra thị trường trên 286.500 chậu hoa kiểng các loại. Dự kiến giá hoa Tết năm nay không tăng so với Tết năm 2023 do tình hình kinh tế, thời tiết gặp nhiều khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn