MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ở các huyện Thạnh Trị, Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng, con trâu vẫn là “đầu cơ nghiệp”. Ảnh: Phương Anh

Không còn kéo cày, con trâu vẫn là “đầu cơ nghiệp” ở Sóc Trăng

Phương Anh LDO | 05/08/2023 06:52

Làn sóng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp khiến hình ảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau” dần không còn nữa. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, con trâu vẫn được người dân nuôi dưỡng như một loài vật có giá trị kinh tế cao. Tại các huyện Thạnh Trị, Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng, nhiều hộ vươn lên khá giàu cũng từ nuôi trâu thương phẩm.

Sức trâu thay máy móc

Mỗi khi vào mùa thu hoạch, trên những cánh đồng lúa hay dưa hấu ở xã Lâm Kiết, xã Thạnh Tân của huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) không thể thiếu hình ảnh con trâu - cái cộ.

Vùng quê này từng được biết đến với tên gọi là Xứ Cầm Trâu - bởi ngày trước nơi đây là vùng trũng. Vào mùa nước nổi, trâu được người dân khắp nơi đem về len trâu. Đặc biệt, hầu như nhà nào ở đây cũng có trâu nuôi. Ngày nay, trâu ở đây không còn nhiều, nhưng những chú trâu vẫn luôn gắn bó với đời sống người dân. Thậm chí, trâu được nuôi để dùng làm sức kéo thay cho máy móc trong nông nghiệp.

Đã gắn bó với nghề nuôi trâu hơn 20 năm nay, anh Tăng Minh Cường ở xã Lâm Kiết chia sẻ, cứ vào vụ mùa, anh đi hết đồng này sang đồng khác để kéo lúa, kéo dưa và cả kéo rơm. Cứ mỗi công (1 công = 1.000m2 - PV), chủ ruộng trả cho anh từ 300.000 - 500.000 đồng tùy vào khoảng cách xa gần.

Anh Tăng Minh Cường dùng sức trâu để kéo dưa thuê cho nông dân. Ảnh: Phương Anh

Anh Cường cho biết, mặc dù ngày nay đã có máy móc hiện đại, sức kéo nhanh hơn nhưng bà con địa phương vẫn sử dụng sức trâu để chuyên chở. Lý do khá đơn giản, bởi con trâu có thể dễ dàng vượt qua những ruộng sình lầy, ngập nước mà máy móc nhiều khi không qua được. Thêm nữa chi phí thuê trâu kéo thì rẻ hơn so với máy móc. Cũng nhờ vậy mà những người nuôi trâu như anh cũng có công việc và nguồn thu nhập.

Nuôi trâu để làm giàu

Không chỉ sử dụng làm sức kéo mà nghề nuôi trâu thương phẩm ở Thạnh Trị, Trần Đề còn giúp nhiều hộ vượt khó, vươn lên làm giàu.

Sở hữu đàn trâu hơn 20 con, anh Lý Hên ở xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề cho biết, khoảng hơn 20 năm về trước, gia đình anh nuôi trâu chủ yếu chỉ để phục vụ cho việc cày bừa, vận chuyển lúa. Ngày nay, công việc này đã có máy móc phục vụ nên gia đình chuyển sang nuôi trâu thịt và trâu sinh sản.

“Lúc mới lập gia đình, tôi được ba mẹ cho 1 cặp trâu để làm vốn. Thời điểm đó vừa mới ra ở riêng nên kinh tế còn chật vật lắm. Hằng ngày, vợ chồng đi cắt cỏ cho trâu ăn. Nuôi đến 1 năm là trâu đẻ, rồi mình nhân đàn lên dần. Hiện giờ tổng đàn được 10 con trâu nái, trung bình mỗi năm sẽ cho khoảng 5 - 6 trâu con (nghé). Nghé nuôi từ 12 tháng bán giá từ 17- 20 triệu đồng/con. Nuôi 24 tháng bán được trên 25 triệu đồng/con. Mỗi năm, gia đình xuất bán khoảng 5 - 6 con nghé, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Cũng nhờ nuôi trâu mà gia đình giờ cũng khấm khá, đời sống thoải mái nhiều”, anh Hên vui vẻ cho biết.

Nhờ nuôi trâu thương phẩm mà đời sống gia đình anh Lý Hên đủ đầy. Ảnh: Phương Anh

Tại huyện Thạnh Trị, nơi có số lượng đàn trâu lớn nhất tỉnh Sóc Trăng với trên 3.000 con, ở đây hộ nuôi ít cũng vài con, hộ nhiều thì vài chục con. Từ khi nhu cầu tiêu thụ thịt trâu làm thực phẩm tăng lên, nhất là sản phẩm đặc sản khô trâu có được sự quan tâm của thị trường, nhiều hộ dân bắt đầu nhân rộng đàn trâu để phát triển kinh tế.

Ông Lý Mô ở xã Lâm Kiết, người có thâm niên nuôi trâu trên 30 năm, cho biết: “Tuy vốn đầu tư để nuôi trâu ban đầu khá lớn, mỗi con 8 tháng tuổi trở lên có giá hơn 14 triệu đồng, nhưng bù lại ít rủi ro, có lãi cao hơn nhiều vật nuôi khác, lại tận dụng được rơm rạ, cỏ dại,.. nên nhiều nông dân vẫn chọn con trâu để phát triển kinh tế gia đình”.

Tận dụng cỏ ven bờ ruộng làm thức ăn cho trâu. Ảnh Phương Anh

Theo người nuôi, trâu nuôi khoảng hơn 1 năm là bắt đầu sinh sản. Sau khi sinh 2 tháng, trâu mẹ tiếp tục mang thai. Nghé được nuôi từ 12 – 24 tháng có thể xuất bán với giá từ 17 – 30 triệu đồng. Còn trâu thịt cũng có giá ổn định dao động từ 25 - 40 triệu đồng/con.

Dễ dàng bắt gặp những con trâu ăn cỏ ở vùng nông thôn huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng)

Theo các nông dân ở Thạnh Trị, Trần Đề, câu nói “Con trâu là đầu cơ nghiệp” đến nay còn nguyên giá trị với người dân nơi đây. Bởi vật nuôi này vẫn là tài sản lớn của nhiều gia đình. Cũng nhờ nuôi trâu mà nhiều hộ đã thoát nghèo, nuôi con cái ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn