MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều tàu cao tốc phải nằm bờ vì không cạnh tranh nổi với tàu siêu tốc. Ảnh: P.V

Không để ảnh hưởng đến an ninh trật tự và du lịch

ĐỖ VẠN - HÀ PHƯƠNG LDO | 09/06/2019 07:34

Trước hiện tượng cò vé, tranh giành khách của các tàu siêu tốc tuyến đường thuỷ Sa Kỳ - Lý Sơn (Quảng Ngãi), chính quyền địa phương khẳng định sẽ có giải pháp đồng bộ, toàn diện.

Doanh nghiệp “tự lấy đá ghè chân”

Theo BQL cảng Sa Kỳ, từ năm 2019, thời gian khởi hành hằng ngày để đón chở khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn được giao cho các chủ tàu tự đăng ký và quyết định. Từ đó, nhiều tàu đăng ký giờ khởi hành gần như trùng nhau. Bởi nếu đăng ký giờ chạy sau, khách đi sẽ ít hơn. Hệ lụy là các chủ tàu khách chấp nhận chạy trùng giờ để cạnh tranh và dẫn đến thiệt hại của mỗi chuyến tàu lại tăng lên nhiều hơn.

Theo chủ tàu cao tốc Super Viễn Đông, hiện tàu có sức chở 152 khách/chuyến, trong đó, chỉ tính riêng chi phí vận hành cho một chuyến khoảng 8 triệu đồng (tương đương 50 vé), chưa kể nhân viên, lái tàu và khấu hao tài sản. Ngoại trừ dịp lễ, tết và cuối tuần thì những thời gian còn lại khó có đủ số lượng khách để bù chi phí.

Ông Lê Tấn Hải - Giám đốc BQL Cảng và Cảng vụ đường thủy nội địa Sa Kỳ thuộc Sở GTVT Quảng Ngãi - cho biết: “Tình trạng cạnh tranh từ tàu cao tốc đến tàu siêu tốc và sau là bán vé, đăng ký giờ tàu đã khiến các doanh nghiệp không khác nào “tự lấy đá ghè chân”. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần tuyên truyền và các chủ tàu khách siêu tốc đều nhận thấy sự cạnh tranh như vậy chỉ làm hại cho chính mình, nhưng không ai chịu nhường ai.

Sự cạnh tranh theo kiểu trên không những gây thiệt hại cho chính các chủ tàu mà còn gây ra sự lộn xộn và mất an ninh trật tự tại 2 đầu bến cảng do hoạt động chèo kéo, gây phản cảm, bức xúc cho du khách và làm ảnh hưởng chung đến ngành du lịch của tỉnh Quảng Ngãi.

Cũng theo ông Lê Tấn Hải, việc bán vé thông qua xe ôm, chủ các nhà nghỉ, khách sạn dẫn đến khó nắm bắt danh sách hành khách đi trên tàu. Nếu lỡ có xảy ra tai nạn trên biển, xuất hiện những hành khách không có trong danh sách, sự việc sẽ rất phức tạp.

Định hướng nào cho thị trường vận tải khách tàu biển?

Ông Lê Tấn Hải cho biết, đối với việc “cò” vé, BQL Cảng và Cảng vụ đường thủy nội địa Sa Kỳ đã rất nhiều lần chấn chỉnh, đồng thời, có văn bản gửi các đơn vị liên quan phối hợp xử lý tình trạng trên. Nhưng do nhiều nguyên nhân nên một thời gian sau tình trạng trên lại tái diễn.

“Trách nhiệm lớn nhất khi để xảy ra tình trạng cò vé lộn xộn tại các đầu cảng nói chung là 2 lực lượng cảng vụ và biên phòng. Nếu biên phòng làm tốt việc kiểm soát khách, cảng vụ điều tiết hợp lý thời gian xuất bến cho các phương tiện... sẽ được hạn chế rất nhiều tình trạng trên.

Xét cho cùng, chúng tôi chỉ là đơn vị kinh doanh khai thác vận chuyển khách và hàng hóa ra vào cảng, cụ thể là bán vé, vị trí neo đậu cho các phương được hợp lý và an toàn mà thôi. Nói như vậy không phải là BQL cảng đổ lỗi trách nhiệm cho các đơn vị khác, mà để dư luận hiểu được đúng vấn đề”, ông Hải lý giải.

Theo ông Hải, thời gian đến, BQL cảng sẽ đầu tư kinh phí, bố trí quầy bán vé riêng tập trung cho tất cả các chủ tàu để khách có nhu cầu ra đảo nhìn, tự chọn phương tiện; cấm các cá nhân chèo kéo khách để bán vé trong khu vực cảng.

Còn đại diện Trạm Kiểm soát Biên phòng - Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Chúng tôi cũng đã xử phạt hành chính hàng chục vụ chủ tàu khách cung cấp sai danh sách hành khách xuống tàu. Đồng thời, phối hợp các lực lượng liên quan ra quân chấn chỉnh lập lại trật tự. Nhưng chỉ một thời gian sau tái diễn”.

Theo các đại diện BQL cảng Sa Kỳ, biên phòng, để giải quyết cạnh tranh theo kiểu tự bỏ tiền tỉ trả hoa hồng cho người bán vé giúp, giành giật khách gây mất ANTT tại các đầu bến, các đơn vị chức năng liên quan phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, đưa ra chế tài mạnh như tạm dừng hoạt động phương tiện nếu vi phạm... thì các chủ tàu phải ngồi lại với nhau để bàn bạc thống nhất, tìm tiếng nói chung.

Bà Phạm Thị Hương - Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - cho hay: “Tại các cuộc họp với các chủ tàu, không ai lên tiếng về chuyện này và “nhờ” UBND huyện đứng ra tổ chức tháo gỡ. Trong khi huyện Lý Sơn lại không có quyền can thiệp việc chủ tàu tự bỏ tiền trả hoa hồng nhờ bán vé giúp và cũng không thể đưa ra quy định cụ thể giờ rời bến, hoặc chiếc này phải chạy trước, chiếc kia chạy sau”.

Cũng theo bà Hương, UBND huyện Lý Sơn sẽ đưa ra vấn đề này để các bên cùng bàn bạc, đưa ra giải pháp phù hợp nhất. “Không thể để tình trạng trên tiếp diễn kéo dài, gây ảnh hưởng chung đến tình hình ANTT và ngành du lịch của địa phương”, bà Hương nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn