MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vải thiều là mặt hàng trái cây có giá trị cao của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương. Ảnh: Anh Thơ

Không để dịch COVID-19 làm đứt gãy tiêu thụ vải thiều

Vũ Long LDO | 05/05/2021 17:32

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho mùa vải thiều năm 2021.

Dự báo sản lượng dồi dào

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bắc Giang, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch tiêu thụ nông sản, trong đó đặc biệt là mặt hàng vải thiều.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang - cho biết: Năm 2021, toàn tỉnh Bắc Giang có 28.000ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn. Trong đó, hơn 200ha vải xuất khẩu sang Nhật Bản với 30 mã vùng; 218ha xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Châu Âu (EU) với 18 mã vùng và 15.867ha xuất khẩu sang Trung Quốc gồm 149 mã vùng.

Tại huyện Lục Ngạn - “thủ phủ” của vải thiều, tổng diện tích trồng vải là 15.450ha (tăng 160ha so với năm 2020), sản lượng ước đạt trên 120.000 tấn (trong đó vải chín sớm khoảng 30.000 tấn). Diện tích sản xuất theo quy trình VietGap là 12.400ha (tăng 700ha so với năm 2020). Diện tích đưa vào kế hoạch sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGap khoảng 318ha.

Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều

Ngoài Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương) cũng là địa phương có sản lượng vải thiều lớn. Ảnh: Vũ Long

Nhìn chung, sản lượng vải năm nay khá lớn, UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch tổ chức chuỗi các sự kiện hội nghị, diễn đàn, lễ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch và xúc tiến tiêu thụ nông sản chủ lực, đặc trưng, vải thiều năm 2021.

UBND huyện Lục Ngạn cũng đã xây dựng 2 phương án hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Trong đó, phương án 1: Nếu tình hình dịch trong nước vẫn còn nhưng được kiểm soát, các hoạt động giao thương được trở lại bình thường. UBND dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 114.000 tấn (tiêu thụ trong nước 51.000 tấn, xuất khẩu 53.000 tấn); chế biến sấy khô, nước ép, đóng hộp khoảng 6.000 tấn.

Phương án 2: Tình hình dịch trong nước tiếp tục diễn ra phức tạp, UBND huyện dự kiến tiêu thụ vải thiều tươi khoảng 95.000 tấn (trong đó, tiêu thụ trong nước: 60.000 tấn, xuất khẩu: 35.000 tấn); tiêu thụ bằng hình thức khác: 25.000 tấn.

"Các chương trình, nội dung hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều có sự đổi mới, phù hợp với những diễn biến khó lường của dịch COVID-19 hiện nay. Trong quá trình thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và các cơ quan truyền thông tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ vải thiều của tỉnh năm 2021” - ông Dương Thanh Tùng cho hay.

Dự kiến, UBND huyện Tân Yên cũng phối hợp với Sở Công Thương, Sở NNPTNT, Văn phòng UBND tỉnh tổ chức lễ xuất hành vải sớm Tân Yên đi thị trường Nhật Bản vào ngày 26.5.2021 sắp tới.

UBND huyện Lục Ngạn sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức chương trình “Du lịch trải nghiệm mùa vải thiều và kết nối cung cầu năm 2021” tại huyện Lục Ngạn và tối 8.6.2021.

Ngoài ra, địa phương còn tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang tại TPHCM và các tỉnh miền Nam trong tháng 6.2021.

Bên cạnh đó, huyện Lục Ngạn cũng tổ chức Tuần lễ vải thiều và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng huyện Lục Ngạn tại Hà Nội trong tháng 6.2021 nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) vừa đồng ý cho 164 người nước ngoài (thương nhân Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam (đợt 1) đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, đàm phán và thu mua vải thiều. Các thương nhân Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm đúng quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn