MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãi suất cho vay trung và dài hạn được nhận định khó có thể giảm sâu. Ảnh: Bảo Chương

Không dễ giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn

Gia Miêu LDO | 29/05/2020 17:17

Sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất điều hành giữa tháng 3.2020, các ngân hàng đã bắt đầu vào cuộc giảm lãi suất đầu vào ở kỳ hạn ngắn để giảm thêm lãi vay. Tuy nhiên, lãi suất cho vay trung và dài hạn được nhận định khó có thể giảm sâu. 

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực lên mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, tác động đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đối với hoạt động ngân hàng, do tác động của dịch, tín dụng những tháng đầu năm có xu hướng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Theo số liệu báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước  (NHNN), tính đến ngày 20.5, dư nợ tín dụng chỉ mới tăng 1,32%. NHNN cũng đã đưa ra đánh giá về việc ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ dẫn đến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Hiện tại tính đến 25.5.2020, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 223 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 151 nghìn tỉ đồng. Có hơn  320 nghìn khách hàng với dư nợ  gần 1,14 triệu tỉ đồng được miễn, giảm, hạ lãi suất. Riêng trên địa bàn TPHCM, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 158 nghìn khách hàng với dư nợ 48.325 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 17 nghìn khách hàng với dư nợ 45.096 tỉ đồng.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, thời gian qua NHNN cho biết vẫn nhận được một số kiến nghị, phản ánh về việc tiếp cận các chính sách tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, giữ nguyên nhóm nợ…

Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp cũng đang có cùng câu hỏi lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn đã giảm, tuy nhiên điều đó chưa xảy ra với lãi suất vay vốn trung và dài hạn. Các chuyên gia đều nhận định rằng dư địa giảm lãi vay vẫn còn, nhất là sau khi các ngân hàng vào cuộc giảm lãi suất đầu vào ở kỳ hạn ngắn để giảm thêm lãi vay. Tuy nhiên, riêng với lãi suất cho vay trung - dài hạn được nhận định khó có thể giảm sâu.

Ông Nguyễn Duy Phương, chuyên gia phân tích tài chính của Công ty chứng khoán VCSC phân tích, muốn có điều kiện giảm lãi suất trước hết phải giảm lãi suất đầu vào, mà muốn giảm được lãi suất đầu vào đòi hỏi ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát và tỷ giá. Để hỗ trợ ngân hàng giảm chi phí đầu vào, NHNN đồng loạt giảm các mức lãi suất điều hành và lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng, trong khi ngành ngân hàng vẫn chưa hạ được giá vốn huy động.

Thực tế đã cho thấy chi phí huy động vốn đầu vào của ngân hàng thời gian qua chỉ giảm mạnh ở kỳ hạn 6 tháng trở xuống. Trong khi đó, với các kỳ hạn dài từ 6 tháng trở lên, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng vẫn ở mức cao. Như vậy, lãi suất cho vay ra đối với vốn trung và dài hạn khó có thể thấp hơn mức này, đó là chưa kể việc tái cơ cấu nguồn vốn trung, dài hạn theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN nên các ngân hàng duy trì lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài để thu hút nguồn vốn.

Hiện NHNN cũng đã giảm dần lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các TCTD giảm thêm lãi suất đầu vào và đầu ra, chia sẻ khó khăn cùng với doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong đại dịch COVID-19. Mặt bằng lãi suất được các chuyên gia nhận định rằng, khả năng sẽ giảm thêm thời gian tới, tuy nhiên khó giảm sâu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn