MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng. Ảnh: QH

“Không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu”

LÊ PHƯƠNG LDO | 08/06/2017 10:54
Báo cáo tại nghị trường ngày 7.6, với tổng số nợ xấu gần 600.000 tỉ đồng, tương đương 10,08% tổng dư nợ - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng thừa nhận, “con số như vậy là xấu” - cho thấy “bức tranh” nợ xấu hiện vẫn đối diện nhiều thách thức. Nợ xấu vẫn gia tăng nhanh, đe dọa ảnh hưởng đến nền kinh tế xong ông Hưng cũng đưa ra quan điểm là sẽ không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu.

Những con số rất xấu

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, tại thời điểm tháng 9.2012, tỉ lệ nợ xấu chiếm 17,21% tổng dư nợ và cho vay nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu thanh tra trên thực tế thì con số có thể còn cao hơn. Tính đến 31.12.2016, nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay là trên 150.000 tỉ, chiếm 2,52% tổng dư nợ; tổng nợ xấu mà Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã mua nhưng chưa xử lý được là trên 195.000 tỉ, hiện chiếm 3,29% tổng dư nợ. Nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được hiện nay là trên 345.000 tỉ, chiếm 5,8% tổng dư nợ. Nợ xấu nội bảng và nợ xấu của VAMC đã mua chưa xử lý và nợ có nguy cơ cao trở thành nợ xấu có thể khiến tổng nợ xấu và dư nợ hiện nay là 10,08%, tương đương 600.000 tỉ đồng - chính ông Hưng thừa nhận là “con số như vậy là xấu”.

ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) băn khoăn tỉ lệ nợ xấu và tiềm ẩn chuyển sang nợ xấu báo cáo trước QH đã chính xác và thực chất hay chưa, hay ‘còn giấu, còn trốn ở đâu nữa không”, ông Vượt nói. Cũng theo ĐB Vượt, phải mình bạch nợ xấu đến thời điểm 31.12.2016 chứ nhất định không để xảy ra trường hợp khi nghị quyết đã thông qua có phát sinh lớn, đặc biệt các ngân hàng có vốn nhà nước lớn cho vay lớn, phạm vi rộng thì nợ xấu chỉ tăng thêm 1%, nhưng giá trị tuyệt đối có thể bằng hàng chục % các ngân hàng cổ phần khác.

Chung quan điểm, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhấn mạnh: Quốc hội phải yêu cầu ngân hàng sớm có báo chi tiết cụ thể tên của các tổ chức, cá nhân nào đang gây ra nợ xấu, trên cơ sở đó xem xét: Nếu tổ chức, cá nhân nào thực sự đang gây ra nợ xấu do thiên tai, bão lũ thì xóa nợ; tổ chức, cá nhân nào gây ra những nợ xấu liên quan đến các vụ án tham nhũng, chúng tôi đề nghị “truy tận gốc, trốc tận ngọn”. Ngoài ra, Công ty quản lý nợ xấu phải chia sẻ gánh nặng khó khăn của đất nước, xem xét lại mức lương của các lãnh đạo. “Trong khi chúng ta chưa giải quyết được nhiều khó khăn mà mức lương vẫn rất ngất ngưởng, báo chí, dư luận không đồng tình. Tôi đề nghị Quốc hội cần phải minh bạch chuyện này”, bà Khánh nói.

Không dùng ngân sách

Dù thừa nhận việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý nợ xấu là rất cần thiết song nhiều đại biểu băn khoăn về quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng. ĐB Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) cho rằng, “Nếu cứ quy định chung thì xử lý nợ xấu sẽ vào vòng luẩn quẩn và nghị quyết không hiệu quả trong thực tế”.

Chung quan điểm, ĐB Phan Thị Mỹ Dung (Long An) lo ngại về quyền thu giữ tài sản đảm bảo được quy định trong dự thảo Nghị quyết. Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc xử lý tài sản đảm bảo nếu đảm bảo đủ 3 điều kiện: Phải có thẩm quyền duyệt, tài sản không tranh chấp và tài sản không nằm trong danh sách bị thu hồi thì sẽ rất khó xử lý nợ xấu với tài sản đảm bảo là bất động sản.

ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) cho rằng, nợ xấu phát sinh trong hoạt động kinh doanh ngân hàng là tất yếu, còn hoạt động cho vay thì còn nợ xấu. Ông Thắng cho hay, trong số 600.000 tỉ đồng nợ xấu, chúng ta phải xác định 90% là tiền của dân, ngân hàng chỉ có 10%, nên việc xử lý nợ xấu cấp bách là để bảo vệ không chỉ cho hoạt động tổ chức tín dụng mà là bảo vệ cho người dân - những người đang gửi tiền trong hệ thống tổ chức tín dụng. ĐB Thắng cũng cho rằng, khi con số nợ xấu còn ngất ngưởng ở mức có thể đủ để xây được 3 sân bay Long Thành thì việc đưa 600.000 tỉ đồng quay lại phụ vụ tăng trưởng kinh tế khi nguồn lực đất nước còn hạn chế là điều vô cùng bức thiết và quan trọng.

Về vấn đề xử lý trách nhiệm nợ xấu, ông Lê Minh Hưng cho biết, trong dự thảo nghị quyết không có một quy định nào tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hay cá nhân có thể trục lợi từ việc sử lý nợ xấu.

Đặc biệt về nguyên tắc xử lý nợ xấu, ông Hưng cho biết ông tiếp thu ý kiến đại biểu là không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.

Về một số vấn đề như bán đấu giá nợ xấu theo giá thị trường, ông nói thêm, thẩm quyền quy định bán đấu giá tài sản đã được quy định tại Bộ luật Dân sự và các nghị định của Chính phủ đã cho phép các bên thảo thuận, nhưng các bên vay cũng được quyền thỏa thuận nếu có sự chấp thuận của các bên đi vay thì pháp luật cho phép bán theo cơ chế thỏa thuận. Trong trường hợp có sự tranh chấp thì việc đó phải được thực hiện qua đấu giá, định giá theo các quy định đấu giá và xử lý tài sản, cho nên ông Hưng khẳng định, NHNN đảm bảo cơ chế công khai, minh bạch.

TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia.

Cho đến nay việc xử lý nợ xấu tại các NHTM và tại VAMC cần phải vượt qua những rào cản pháp lý. Trong một vài năm tới, nhiều khoản nợ xấu từ VAMC được trả về cho các NHTM trong khi các ngân hàng này hiện tại đang chật vật để xử lý các khoản nợ xấu chưa bán cho VAMC, những khó khăn về xử lý nợ xấu và tái cấu trúc của các ngân hàng này sẽ tăng lên gấp bội. Điều đó có thể làm ảnh nghiêm trọng đến an toàn tài chính của cả hệ thống ngân hàng. Vì vậy, hơn lúc nào hết các cơ quan quyền lực nhà nước cần xây dựng nhanh một hành lang pháp lý riêng làm nền tảng cho các NHTM thực hiện thành công tiến trình xử lý nợ xấu như đã được đề ra trong đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD của Chính phủ.                                                                                 LAN HƯƠNG

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn