MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng trưởng xuất khẩu vẫn phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI với mũi nhọn là phụ tùng và linh kiện điện thoại. Ảnh: V.LÂM

Không được chủ quan, cần phòng các “cú sốc”

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ LDO | 06/02/2018 08:43

Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cảnh báo, tăng trưởng kinh tế 2018 đầy thách thức nếu thiếu các yếu tố cơ bản, cần hết sức thận trọng. Còn khi trao đổi với Lao Động, các chuyên gia cho rằng, cũng nên chuẩn bị cho những kịch bản “chống sốc” trong thời gian tới.

Khởi đầu tốt, xung lực mạnh, tăng niềm tin

Theo TS Ngô Tuấn Anh - Giảng viên Trường ĐHKTQD Hà Nội - hiện tăng trưởng xuất khẩu (XK) của Việt Nam đạt được ở tất cả các nhóm hàng. Tháng đầu tiên của năm 2018, kim ngạch XK nông-lâm và thủy sản cả nước ước tính đạt 3,09 tỉ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2017. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1.2018 ước tính đạt 361,1 nghìn tỉ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,38%. Dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2018 ước tính đạt 6,58%, XK dự báo tăng trưởng ở mức 9,4%; thặng dư thương mại ở mức 1,1 tỉ USD. Cùng đó, chỉ tiêu kế hoạch theo Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 1.1.2018 của Thủ tướng Chính phủ thì tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng bình quân 6,7%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) khoảng 4%. Mức tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2018 so với bình quân năm 2017 là khoảng 3,74%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1.2018 ước tính tăng cao ở mức 20,9% so với cùng kỳ 
năm 2017.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, đến thời điểm cuối năm 2017 những cải cách hành chính, tháo bỏ những điều kiện kinh doanh và đặc biệt là thái độ phục vụ DN, người dân của cơ quan công quyền đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực. “Chính những thay đổi này đã một phần phát huy tác dụng, các DN lớn tin tưởng bỏ vốn làm ăn, các DN khởi nghiệp hồ hởi vào cuộc. Điều này tạo ra xung lực rất mạnh cho nền kinh tế nên bằng mọi cách phải tiếp tục phát huy” - ông Kiêm nói.

Sức bật

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng, những con số tích cực ngay trong tháng đầu tiên của năm 2018 một phần là nhờ kết quả của những cải cách trong năm 2017. Quy định các điều kiện kinh doanh cũng có những bước cải thiện rất mạnh mẽ, các chỉ số ngành tài chính như nộp thuế, bảo hiểm xã hội theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới cũng có những tiến bộ rất nhiều. Điển hình như Bộ Công Thương vừa ban hành Nghị định 08 cũng là một việc làm hết sức thiết thực khi bãi bỏ khoảng hơn 400 điều kiện kinh doanh trong 9 lĩnh vực và vẫn tiếp tục dự thảo về các điều kiện kinh doanh trong 7 lĩnh vực còn lại theo đúng cam kết bãi bỏ 675 điều kiện kinh doanh như đã công bố. “Tôi cho rằng những động thái đó đã có tác động nhất định tới môi trường kinh doanh. Đồng thời, khơi dậy niềm tin của cộng đồng DN, tạo sự hào hứng trong việc quay trở lại hoạt động kinh doanh và điều này phản ánh phần nào câu chuyện về đăng ký kinh doanh năm vừa qua. Một số rất đáng chú ý đó là ngoài những DN thành lập mới, số lượng DN quay trở lại hoạt động cũng chiếm khoảng hơn 24.000 DN, số vốn đăng ký bổ sung cũng rất lớn để mở rộng đầu tư kinh doanh” - ông Hiếu nhấn mạnh.

TS Lê Đình Ân - nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ KHĐT) - cho rằng, với mức tăng trưởng kinh tế 6,28% là con số đáng phấn khởi. Điều này cho thấy, các quyết sách của Chính phủ đã đi vào cuộc sống, phát huy giá trị, tạo thuận lợi cho các DN phát triển. Cùng với đó, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ như: Công Thương, Y tế, NNPTNT thực sự đã phá “băng”, cởi trói để DN phát triển. Điều này cũng thể hiện ở con số các DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 1.2018 tăng cao; dự trữ ngoại hối tăng lên gần 57 tỉ USD…

Tháng 1.2018, chỉ riêng xuất khẩu thủy sản đã mang về 3 tỉ USD. Ảnh: T.L

Nguy cơ và cảnh báo

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Lê Đình Ân cho rằng, các yếu tố tăng trưởng đột biến để đẩy mức tăng trưởng cao là chưa bền vững. “Sản xuất điện tử, điện thoại di động… không thể coi là phát triển bền vững được bởi phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài quá nhiều; tiêu dùng trong nước có xu hướng tăng nhưng để khai thác nó còn là cả vấn đề” - TS Lê Đình Ân nhấn mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng, phải phòng ngừa rủi ro dòng vốn nước ngoài đảo chiều, gây áp lực đối với tỉ giá và cán cân thanh toán. Nếu không có các hành động cụ thể nhằm đón đầu cơ hội và xử lý thách thức từ cuộc khoa học công nghệ lần thứ tư và khả năng chống chịu trước các cú sốc bất lợi ổn định kinh tế vĩ mô phụ thuộc chủ yếu vào dư địa chính sách tiền tệ, độ quyết liệt thì sẽ bị tụt hậu.

Cũng theo TS Ngô Tuấn Anh, XK của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua phát triển nhanh chưa bền vững, kim ngạch XK phần lớn là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Giá trị gia tăng của hàng hóa XK còn thấp do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động rẻ; hàng hóa thô và sơ chế, bao gồm cả dầu thô, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch XK. XK của các mặt hàng dựa vào tài nguyên chiếm dưới 10% tổng kim ngạch XK, và tỉ lệ này gần như không thay đổi; giá trị gia tăng của hàng hóa XK thấp. Hàng hóa XK ngoài khoáng sản, nhiên liệu thô thì hàng hóa nông nghiệp 90% là sản phẩm thô và sơ chế. Hàng công nghiệp chế biến chủ yếu là gia công, lắp ráp dựa trên việc nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện, chi tiết máy, bán thành phẩm, điều đó phản ánh một nền kinh tế trình độ thấp, chủ yếu khai thác tài nguyên và lao động rẻ... Việc tăng trưởng XK vẫn phụ thuộc lớn vào các DN FDI, và chủ yếu đến từ 3 ngành mũi nhọn là điện thoại và linh kiện; máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị khác.

Thách thức của năm 2018, đó là ngân sách nhà nước vẫn chưa đủ gây áp lực để tăng cường kỷ luật tài khóa, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó trong cạnh tranh với các “đối thủ” nước ngoài,…

Chính vì vậy, vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam trong năm 2018 là ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục cải cách thể chế kinh tế, thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời ứng phó kịp thời với các “cú sốc” bất lợi khác - bởi theo dự đoán của của Saxobank - một ngân hàng đầu tư lớn của Đan Mạch, các “cú sốc” bất lợi của kinh tế năm 2018 có thể bao gồm sự sụp đổ của chỉ số chứng khoán S & P 500, căng thẳng chính trị ở Liên minh Châu Âu, đồng bitcoins bị người tiêu dùng mất hứng thú đầu tư…

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Tăng trưởng cần duy trì và đi vào thực chất hơn

“Tôi nhận định chúng ta có sự thay đổi phát triển vượt bậc, nhưng với tốc độ tăng trưởng như vừa rồi trong dự kiến có lẽ vẫn chưa thể tạo ra một “cú hích” thực sự tạo động lực cho sự thúc đẩy tăng trưởng cao. Thứ hai là cải cách của Chính phủ, đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh thúc đẩy kinh tế tư nhân có hai vấn đề đáng quan ngại, đó là làm thế nào để duy trì được động lực cải cách của các cơ quan nhà nước được thường xuyên liên tục duy trì trong một thời gian dài, đảm bảo việc cải cách sâu rộng hơn và thực chất hơn. Ví dụ như Bộ Công Thương, sau đợt cải cách này thì cái dư địa, đòi hỏi để cải thiện môi trường kinh doanh là rất lớn, đặc biệt là khi so sánh với môi trường kinh doanh của các nước xung quanh chúng ta cơ bản vẫn chưa đạt được mục tiêu chúng ta đặt ra, ví dụ như Nghị quyết 19 - tạo môi trường kinh doanh bằng trung bình của các nước ASEAN 4 và tiến tới là trung bình của ASEAN 3. Như vậy, cái đòi hỏi, mong muốn và cái dư địa cải cách là rất lớn. Vì sao đây là mối lo ngại lớn nhất? - Bởi vì sau mỗi đợt cải cách thì càng ngày càng khó hơn bởi khi đã xóa bỏ những điều bất hợp lý là rất rõ ràng, dễ dàng thuyết phục ngay cả chính các cơ quan bãi bỏ các điều kiện đó. Tuy nhiên, càng về sau những điều kiện kinh doanh còn lại không dễ dàng nhận ra sự bất hợp lý, khi bãi bỏ đòi hỏi phải thay đổi cả tư duy và phương thức quản lý. Như vậy, khi ấy đòi hỏi đã ở mức độ phức tạp hơn và khó khăn hơn.

Ngoài ra, còn vấn đề đáng lo ngại nữa là khi chúng ta cải cách về môi trường kinh doanh thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ tạo thuận lợi hơn cho DN nói chung, nghĩa là các nhà đầu tư có sáng kiến mới gia nhập thị trường dễ dàng hơn. Như vậy sẽ tạo ra một áp lực cạnh tranh lớn hơn cho chính các DN đang hoạt động. KH.VŨ

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn