MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một công trình bồn chứa xăng dầu của Petrolimex. Ảnh: PLX

Không nên phân định bộ nào quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia

Cường Ngô - Minh Ánh LDO | 12/12/2023 11:00

Trước đề xuất của Bộ Công Thương, các chuyên gia cho rằng, không nên phân định bộ nào quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia mà ở đây phải là liên bộ, liên ngành.

Liên bộ cần phối hợp quản lý

Bộ Công Thương vừa báo cáo Chính phủ về dự trữ quốc gia mặt hàng xăng dầu, trong đó có đề xuất chuyển nhiệm vụ này cho Bộ Tài chính để thống nhất đầu mối quản lý dự trữ các mặt hàng thiết yếu.

Bình luận về đề xuất này, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cho biết, quản lý các mặt hàng thiết yếu hiện nay giao cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước quản lý, trong khi cục này trực thuộc Bộ Tài chính. Do vậy, Bộ Tài chính quản lý dự trữ xăng dầu là điều phù hợp.

“Dù mặt hàng xăng dầu đương nhiên thuộc quản lý của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, nhưng xét dưới góc độ quản lý ngành thì xăng dầu thuộc quản lý của Bộ Công Thương. Cho nên, không nên phân định bộ nào quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia mà ở đây phải là liên bộ, liên ngành” - ông Bảo cho hay.

Theo ông Bảo, hàng dự trữ quốc gia dưới sự chỉ đạo của Chính phủ nên các bộ, ngành đều phải phối hợp với nhau quản lý.

“Cần sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật dự trữ quốc gia xăng dầu để tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia” - ông Bảo nói.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ - chia sẻ, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang quản lý các mặt hàng chiến lược như lương thực và các mặt hàng phòng, chống thiên tai bão lũ. Từ trước đến nay, dự trữ chiến lược quốc gia do Chính phủ trực tiếp giao cho Bộ Tài chính quản lý, điều hành hoạt động này.

Nói riêng về xăng dầu, ông Tú cho rằng, đây là mặt hàng được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương quản lý, trong đó có dự trữ xăng dầu.

Hàng dự trữ quốc gia đang để chung với doanh nghiệp

Thực tế, việc dự trữ các mặt hàng nhiên liệu vẫn đang “hòa” cùng dự trữ tại 4 doanh nghiệp lớn, do quốc gia chưa có kho xăng dầu riêng. Bốn doanh nghiệp được Bộ Công Thương ký hợp đồng bảo quản, gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil); Công ty TNHH MTV Dầu khí Đồng Tháp (Petec) và Công ty Cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex.

Bộ Công Thương nêu ra những khó khăn trong bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia, đó là chưa được bảo quản riêng; chưa có quy định về thẩm quyền, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật...

Chẳng hạn, định mức chi phí bảo quản quá thấp, duy trì 20 năm qua chưa được thay đổi.

“Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng xăng dầu dự trữ quốc gia vẫn bảo quản chung với hàng kinh doanh, chưa được bảo quản riêng theo đúng luật” - Bộ Công Thương nhận xét.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn