MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phát triển kinh tế đêm tăng sức hấp dẫn khách du lịch tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Không nên tách bạch ưu đãi thuế cho kinh tế ban ngày, ban đêm

NGUYỄN THUÝ LDO | 27/12/2021 15:11
Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng, việc tách bạch chính sách ưu đãi về thuế đối với hoạt động kinh tế ban ngày và kinh tế ban đêm không phải là giải pháp thực sự góp phần khuyến khích các chủ thể tham gia, trong khi đó lại gây khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý thuế.

Xem xét miễn lệ phí môn bài 

Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn đề xuất các chính sách, biện pháp ưu đãi thuế, phí và lệ phí đối với hoạt động KTBĐ. Theo đó, để thúc đẩy các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh tham gia hoạt động kinh tế ban đêm, Bộ Tài chính đưa ra một số đề xuất về chính sách, biện pháp ưu đãi về phí và lệ phí như sau: Miễn lệ phí môn bài đối với các hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh tại địa bàn thí điểm KTBĐ; Miễn phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường; Giảm 50% mức phí thăm quan các bảo tàng lịch sử, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa; Giảm 50% phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn tại địa bàn thí điểm KTBĐ. 

Ngoài ra, trường hợp cần thiết phải có quy định miễn, giảm tiền thuê đất đối với hoạt động KTBĐ, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khảo sát, đánh giá đối với hoạt động KTBĐ này; trên cơ sở đó nghiên cứu bổ sung vào Danh mục lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư, đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với các hoạt động KTBĐ để được hưởng các mức ưu đãi tiền thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Dù có những đề xuất như trên nhưng Bộ Tài chính cũng lưu ý rằng, nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy một số nước có chính sách hỗ trợ tài chính cho phát triển KTBĐ nhưng không thấy có quốc gia nào có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế.

Một số chính sách hỗ trợ tài chính bao gồm: Trợ cấp bằng tiền cho các hộ kinh doanh ban đêm, hỗ trợ kinh phí nâng cấp, cải tạo cửa hàng tại các khu thương mại ban đêm, hỗ trợ vé đối với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật (Trung Quốc); đảm bảo ngân sách duy trì lực lượng cảnh sát phục vụ phát triển KTBĐ (London, Anh); hỗ trợ đầu tư các địa điểm biểu diễn âm nhạc (Paris, Pháp); hỗ trợ kinh phí mở rộng các tuyến xe buýt phục vụ đêm (Úc)...

“Như vậy, về bản chất, việc tách bạch chính sách ưu đãi về thuế đối với hoạt động kinh tế ban ngày và KTBĐ không phải là giải pháp thực sự góp phần khuyến khích các chủ thể tham gia vào hoạt động KTBĐ, trong khi đó lại gây khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý thuế vì đa phần người lao động, tài sản của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong khu vực có hoạt động KTBĐ đều tham gia vào hoạt động kinh tế ban ngày và KTBĐ nên khó tách bạch thu nhập để áp dụng chính sách ưu đãi thuế” - Bộ Tài chính đưa quan điểm. 

Còn nhiều thách thức

Qua khảo sát của cơ quan chức năng, KTBĐ mang lại nguồn thu lớn cho nhiều quốc gia. Tại Anh, KTBĐ tạo ra doanh thu trung bình 66 tỉ bảng mỗi năm; tại Úc, con số này là 715 tỉ AUD vào năm 2017; tại Nhật, con số này là 400 tỉ yên vào năm 2020, tương đương 3,7 tỉ USD... Đồng thời, KTBĐ cũng giúp kích thích văn hóa, du lịch, tạo ra nhiều việc làm.

Tuy nhiên theo báo cáo gần đây của Bộ Tài chính, phát triển KTBĐ bên cạnh những lợi ích nêu trên, ở một số địa phương vẫn có những khó khăn. Cụ thể, sản phẩm, dịch vụ ban đêm vẫn còn chưa thực sự đa dạng, chủ yếu là ăn uống, các hoạt động văn hoá nghệ thuật còn chưa nhiều; các chợ đêm hay các khu phố đêm của một số địa phương chưa thực sự ấn tượng. Dịch vụ lưu trú, các dịch vụ ban đêm hầu hết có quy mô trung bình và nhỏ; chưa có sự kết nối các dịch vụ để tạo ra các chương trình hấp dẫn du khách. Thời gian mở cửa dịch vụ về đêm còn quá ngắn; đa số các cơ sở kinh doanh dịch vụ ban đêm đóng cửa lúc 23-24h.

Về quản lý nhà nước, các địa phương đều chưa có một cơ quan hay bộ phận nào chuyên trách quản lý hoạt động KTBĐ trong khi đây là một mô hình phát triển mới, có nhiều tác động đến kinh tế, văn hoá - xã hội và môi trường.

Trong khi đó, hầu hết các địa phương báo cáo về Bộ Tài chính cho biết, đều chưa có khu vực được quy hoạch riêng biệt dành cho phát triển KTBĐ, một số dịch vụ còn xen lẫn với khu dân cư, sử dụng không gian công cộng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Theo phân tích của TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, sẽ còn nhiều điều phải làm để cụ thể hóa chính sách phát triển KTBĐ trên thực tế. Tuy nhiên, KTBĐ đã có tương tác không nhỏ với các mô hình kinh tế khác như kinh tế chia sẻ, kinh tế số,... Chẳng hạn, hoạt động giao đồ ăn qua mô hình kinh tế chia sẻ đã rất phổ biến trong khung thời gian của KTBĐ. Điều này cho thấy, phát triển KTBĐ có thể cùng với các mô hình kinh tế mới khác sẽ bổ sung đáng kể động lực cho tăng trưởng ở Việt Nam,

Phía Bộ Tài chính cho biết, phạm vi áp dụng thí điểm KTBĐ sẽ cần tập trung vào một số thành phố lớn đã phát triển dịch vụ ban đêm phục vụ khách du lịch như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Quảng Ninh, Hội An, Cần Thơ... hoặc những tỉnh, thành phố có du lịch phát triển như: Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng...

Đồng thời các địa phương này cũng cần xây dựng kế hoạch, có quy hoạch để xác định rõ ranh giới, khu vực có địa giới cụ thể cần tập trung phát triển KTBĐ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn