MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khủng hoảng ngân hàng buộc ECB phải cân nhắc lãi suất

Quý An (theo CNBC) LDO | 18/04/2023 10:18

Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang xem xét lại lộ trình tăng lãi suất do tình trạng hỗn loạn trong ngành ngân hàng, nhưng vẫn cam kết kiềm chế lạm phát cơ bản.

Nỗi lo sợ về sự lây lan bắt nguồn từ sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) có trụ sở tại Mỹ vào đầu tháng 3 đã dẫn đến hiệu ứng domino với đỉnh điểm là cuộc giải cứu khẩn cấp Credit Suisse.

Mặc dù sự hoảng loạn vào thời điểm đó đã dẫn đến một cuộc tháo chạy của các nhà đầu tư và khách hàng, nhưng kể từ đó, thị trường đã bình ổn trở lại với đánh giá nguyên nhân do đặc trưng của từng ngân hàng, không phải vấn đề mang tính hệ thống.

ECB đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào giữa tháng 3 ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng ngân hàng, bất chấp một số lời kêu gọi tạm dừng.

Tuy nhiên, trong tuần này, một số thành viên trong ban lãnh đạo đã lưu ý về nguy cơ tác động dây chuyền đến nền kinh tế trong quá trình giải quyết lạm phát.

Một số thành viên trong ban lãnh đạo ECB đang đề xuất xem xét lại quá trình tăng lãi suất. Ảnh: Xinhua

Lạm phát toàn phần ở khu vực đồng euro đã giảm đáng kể trong tháng 3 xuống mức 6,9% hàng năm, phần lớn do giá năng lượng giảm. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản - loại trừ giá năng lượng dễ bay hơi, thực phẩm, rượu và thuốc lá - đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 5,7%.

Các sự kiện trong tháng vừa qua đã khiến một số nhà hoạch định chính sách của ECB, như Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Áo Robert Holzmann phải suy nghĩ lại.

Trước đó, ông đã gợi ý rằng ban lãnh đạo ECB có thể cần xem xét thêm 4 lần tăng lãi suất nữa, bắt đầu với mức tăng 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 5.

“Chắc chắn những gì đã trải qua với cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và với Thụy Sĩ đã dẫn đến những thay đổi trong triển vọng. Và nếu triển vọng thay đổi, chúng tôi phải thay đổi quan điểm của mình” - Holzmann nói.

Ông nói thêm, sự tồn tại dai dẳng của lạm phát cơ bản vẫn cần được tính đến, nhưng đó “không phải là điều quan trọng duy nhất” khi các điều kiện tài chính được thắt chặt đáng kể và khả năng tiếp cận tín dụng của các hộ gia đình và doanh nghiệp đang giảm.

“Điều quan trọng khác là tình hình trên thị trường tài chính. Nếu nó vững chắc, các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ khó vay tín dụng hơn, thì điều này cần được tính đến. Việc tăng lãi suất bao nhiêu phụ thuộc rất nhiều vào những gì môi trường tại thời điểm này” – vị lãnh đạo ngân hàng Áo cho hay.

Một thành viên khác của ban lãnh đạo ECB là ông Ignazio Visco - Thống đốc Ngân hàng Italy - cũng đồng tình với quan điểm của người đồng cấp. Ông cho biết, bất ổn tài chính - mặc dù chưa được cảm nhận ở khu vực đồng euro, nơi các ngân hàng hầu hết được vốn hóa tốt và có thanh khoản dồi dào - là một trong một số yếu tố làm tăng thêm rủi ro suy giảm cho triển vọng kinh tế.

Visco đánh giá: “Ngành ngân hàng Ý đang hoạt động ổn, lĩnh vực ngân hàng châu Âu đang hoạt động ổn, xét về sự hỗn loạn mà chúng ta đã thấy - nó chủ yếu liên quan đến mô hình kinh doanh đặc trưng của các ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn có thể có sự lây lan vì những lý do khác. Phương tiện truyền thông xã hội hoạt động theo những cách mà ngày nay chúng ta rất khó hiểu”.

Visco kêu gọi sự kiên nhẫn trong việc đánh giá quỹ đạo tăng lãi suất của ECB, đặc biệt là khi các điều kiện tín dụng đã “thắt chặt đáng kể”. Các nhà hoạch định chính sách sẽ kiểm tra dữ liệu để tìm các dấu hiệu cho thấy lạm phát cơ bản đang giảm và mục tiêu lạm phát trung hạn 2% của ngân hàng đã trong tầm với.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn