MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng trưởng GDP quý I/2017 giảm do giá dầu giảm sâu, nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào khai thác tài nguyên. Ảnh: P.V

Kịch bản nào có thể vực dậy GDP năm 2017?

Nhóm PV LDO | 31/05/2017 07:09
Giá dầu sụt giảm, đầu tư công ì ạch, xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài giảm là những nguyên nhân được Chính phủ nêu trong báo cáo trình Quốc hội lý giải cho tốc độ tăng trưởng GPD quý I/2017 đạt thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

“Thực lực của DN Việt Nam yếu”

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, số doanh nghiệp khai sinh năm 2016 đạt kỷ lục 110 nghìn doanh nghiệp (thực tế chỉ hơn 98 nghìn doanh nghiệp đi vào hoạt động) - lẽ ra phải đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế, nhưng thực tế tăng trưởng GDP quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp nhất trong 3 năm gần đây. Doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nên không tạo động lực tăng trưởng mạnh.

Ông Frederic Neumann - Chuyên gia kinh tế của ngân hàng HSBC cho biết các ngành đều tăng trưởng chậm, nhất là khai thác đá và quặng. Đặc biệt, điều ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu (XK) của Việt Nam là việc tập đoàn Samsung đã ngưng sản suất các mặt hàng điện thoại. Sản lượng của tập đoàn Samsung tại Việt Nam sụt giảm đã góp phần làm giảm 10,7% hoạt động XK mặt hàng điện thoại và phụ kiện, kéo ngành sản xuất điện tử đi xuống.

TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, giá trị GDP của Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực đầu tư nước ngoài, đặc biệt một số công ty lớn như Samsung. Ngoài ra, quý I suy giảm tăng trưởng chủ yếu đến từ các nhóm ngành công nghiệp.

Ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê - Bộ KHĐT) - lý giải: GDP quý I/2017 chỉ tăng 5,1% không đạt mục tiêu tăng trưởng như đã đặt ra, song đây cũng là mức tăng hợp lý, bởi những nước xung quanh chúng ta, tốc độ tăng trưởng quý I/2017 cũng chỉ bằng và thấp hơn năm 2016. Nếu khai thác tốt nguồn vốn tín dụng thương mại, vốn tự có của khu vực ngoài nhà nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thì có thể bù đắp được phần thiếu hụt, góp phần tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

Chú trọng hiệu quả tăng trưởng

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng phương án kịch bản tăng trưởng trong các quý còn lại của năm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Quốc hội đề ra. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, có nhiều cơ sở để nhận định rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay là có thể đạt được.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, để đạt được mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 mức 6,7% trong khi quý I chỉ đạt 5,1%, thì các quý còn lại phải tăng bình quân 7,1%/quý. Tuy nhiên, ông Long cho rằng, vấn đề đặt ra không phải là tăng trưởng bao nhiêu mà là tăng trưởng hiệu quả. Nếu khai thác dầu thô lên, trong khi giá dầu thô giảm, chi phí sản xuất dầu cao, hoặc đẩy mạnh đầu tư công nhưng đầu tư không hiệu quả… thì đó là cách làm chưa hợp lý.

Thừa nhận sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Chính phủ đề ra, các chuyên gia VEPR khuyến cáo Chính phủ cần lưu ý một số chính sách. Theo đó, cần tiếp tục thận trọng với chính sách tài khóa và tiền tệ, tránh tâm lý nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng cao dẫn tới bất ổn vĩ mô. Bên cạnh đó, mặc dù lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong quý I, song chênh lệch lạm phát toàn phần và lạm phát lõi vẫn còn ở mức cao. Trong bối cảnh giá cả hàng hóa cơ bản của thế giới tiếp tục phục hồi và giá cả dịch vụ công vẫn cần điều chỉnh, các nhà điều hành cần thận trọng để đạt lạm phát mục tiêu.

Việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, giáo dục cần thực hiện theo đúng lộ trình, tránh tâm lý sốc cho người dân và chỉ hoãn khi thực sự cần thiết, điều này dù gây khó khăn cho kiểm soát lạm phát trong ngắn hạn nhưng tạo tiền đề quan trọng ổn định hơn trong dài hạn.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn