MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chương trình kích cầu du lịch được triển khai sớm tại Đà Nẵng sau dịch COVID-19. Ảnh: An Thượng

Kích cầu du lịch: Tạo ra sản phẩm mới, điểm đến thú vị

Thanh Hải LDO | 25/05/2020 07:30

Ngay sau khi Tổng Cục Du lịch phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, lập tức hàng loạt các địa phương cả nước đã tổ chức triển khai các gói kích cầu du lịch hậu COVID-19. Kích cầu du lịch, là khi các địa phương phải tạo ra sự kiện, sản phẩm mới, điểm đến thú vị. Nếu không hành động ngay lúc này, thị trường du lịch sẽ khó phục hồi như kỳ vọng.   

Dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới, ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ gây tổn thất 300-450 tỉ USD đối với hoạt động du lịch quốc tế trong năm 2020. Tại Việt Nam, theo Tổng cục Du lịch, thiệt hại 3 tháng (từ tháng 2 đến tháng 4.2020) đã xấp xỉ 8 tỉ USD. Tuy vậy, diễn biến dịch bệnh còn rất phứt tạp ở nhiều nước trên thế giới, nên hệ lụy này sẽ còn kéo dài.

Kích cầu du lịch, hiện được xem là giải pháp tự cứu mình. Dù thời điểm này Việt Nam xem như đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, trở thành điểm đến, du lịch an toàn, nhưng, trước mắt chúng ta cũng chỉ có thể khởi động du lịch nội địa, biệt lập. Vì vậy, ngay sau khi Tổng cục Du lịch phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, lập tức hàng loạt các địa phương cả nước đã tổ chức triển khai các gói kích cầu du lịch hậu COVID-19.

Đặc biệt tại miền Trung, các “trung tâm du lịch biển” là Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa và Quảng Nam đều tung ra các chương trình kích cầu “khủng” với các mức giảm giá 40-50% đối với các gói tour trọn gói, gồm cả vé máy bay, khách sạn, ăn uống... Thậm chí miễn phí tham quan nhiều điểm di tích, khu danh thắng.

Chương trình kích cầu của TP.Đà Nẵng có tên gọi “Đà Nẵng tri ân - DaNang thank you 2020”, với 150 doanh nghiệp tham gia, khuyến mãi “Giảm giá sốc - Dịch vụ chuẩn - Chất lượng cao” và cam kết “giảm giá nhưng không giảm chất”...

Tương tự, Bình Định, Nha Trang, Quảng Nam... cũng đã tổ chức họp báo để giới thiệu về những chương trình kích cầu quy mô lớn. Thể hiện rõ những nỗ lực, thiện chí của chính quyền, nhưng rất tiếc cách làm không mới, thiếu sáng tạo và na ná giống nhau ở hầu hết các địa phương.

Việc giảm giá sốc, miễn phí là rất hấp dẫn, nhưng đó mới chỉ dừng lại ở phạm vi khuyến mãi, chưa chắc đã “kích cầu”, lôi kéo được người dân “xếp ba lô, lên đường”. Kích cầu, là các địa phương phải tạo ra sự kiện, sản phẩm mới, điểm đến thú vị. Ví như Đà Nẵng từng dừng thông tàu thuyền để xoay cầu sông Hàn lúc nửa đêm. Định kỳ cho rồng phun nước, lửa vào 2 ngày cuối tuần, hay thi trình diễn pháo hoa dịp hè, những lễ hội bình dân, những sự kiện văn hóa, thể thao, ẩm thực đầy ma lực khác hằng đêm, hằng tuần... Đó là những lý do cụ thể, thực sự lôi kéo du khách phải sắp xếp, dành thời gian để đến, trải nghiệm... Đợt phát động kích cầu lần này không có địa phương nào, kể cả Đà Nẵng, đưa ra sản phẩm, sự kiện mới ngoài giảm giá, miễn phí.

Đà Nẵng còn thành lập “Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch” phi lợi nhuận, với mục đích liên kết cộng đồng doanh nghiệp du lịch để gia tăng nguồn lực trong công tác xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ nghiên cứu, định hướng thị trường... Nhưng nguồn tiền lại huy động đóng góp từ các doanh nghiệp, vậy khác nào “dùng mỡ nó rán nó”, không phù hợp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Kích cầu lúc này là chính quyền phải bỏ ngân sách ra, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cả du khách lẫn doanh nghiệp hoạt động du lịch đến với mình. Đặc biệt là phải tạo ra sản phẩm mới, tổ chức sự kiện hấp dẫn, thường xuyên, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của du khách nội địa như bối cảnh hậu dịch COVID-19 hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn