MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thanh toán không dùng tiền mặt được thúc đẩy mạnh mẽ từ các trung gian thanh toán. Ảnh minh họa: VNP.

Kích cầu không dùng tiền mặt chỉ là “sân chơi” của trung gian thanh toán?

Thế Lâm LDO | 22/04/2022 17:15

Năm 2021, thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2020; thanh toán qua Internet tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị.

Đủ công cụ thanh toán không dùng tiền mặt

Tới thời điểm này, các nền tảng, phương tiện và công cụ phục vụ việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam nhìn chung đã khá đầy đủ và đáp ứng được hầu hết các giao dịch của tổ chức, doanh nghiệp cho đến chi tiêu cá nhân.

Cụ thể, thanh toán của doanh nghiệp hoàn toàn có thể được hệ thống thanh toán qua ngân hàng đáp ứng, còn các chi tiêu cá nhân có thể thanh toán qua thẻ tín dụng, Internet banking hoặc Mobile banking.

Đặc biệt, thanh toán qua smartphone bao gồm dịch vụ Mobile banking của các ngân hàng (ứng dụng ngân hàng điện tử, ngân hàng số) và ứng dụng ví điện tử, cổng thanh toán của các doanh nghiệp trung gian thanh toán đã phát triển nhanh và mạnh trong thời gian gần đây.

Theo ví điện tử MoMo, hiện đã có thể đáp ứng 90% nhu cầu giao dịch, thanh toán chi tiêu… cho cá nhân. Trong khi đó, tại một số chuỗi bán lẻ như FPT Shop, CellphoneS, việc thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng trong các giao dịch đạt từ 60% trở lên thông qua tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, ví điện tử…, cho dù trả một lần hay trả góp.

Một ghi nhận đáng phấn khởi là, nhiều quán xá bán đồ ăn thức uống, thậm chí quán bán vỉa hè, cũng đồng ý cho khách hàng trả tiền qua ví điện tử hoặc ứng dụng ngân hàng điện tử. Hỗ trợ tích cực nhất cho những giao dịch có giá trị nhỏ này là miễn phí giao dịch, tiền được chuyển đến gần như tức thì, ứng dụng dễ sử dụng và tiện lợi…

Vướng mắc còn lại

Từ năm 2019 trở về trước, một khoảng thời gian khá dài việc thanh toán trả trước (qua thẻ ngân hàng hoặc ví điện tử) đã được áp dụng khá rộng rãi trong thương mại điện tử.

Tuy nhiên về sau, nhiều vụ việc hàng kém chất lượng khiến người tiêu dùng phải đổi trả, khi đó nếu thanh toán trước sẽ mất rất nhiều thời gian mới được hoàn tiền trở lại (thẻ tín dụng cần ít nhất 2 tuần), cho nên khách hàng có xu hướng quay trở lại thanh toán khi nhận hàng (COD) mà đa phần là trả tiền mặt. Chính vì thế, một khảo sát vào năm 2019 cho biết, có tới 90% giao dịch thương mại điện tử thanh toán bằng tiền mặt.

Chị Tuyết Mai (Quận 4, TPHCM) - một người sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong hầu hết các giao dịch hàng ngày - nhận xét, trước đây một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kích cầu khách hàng thanh toán qua ngân hàng bằng cách giảm trừ trên tổng giá trị hóa đơn tối đa 5%.

Tuy nhiên, chính sách này giờ hầu như không còn được áp dụng. Việc ưu đãi nhằm kích cầu không dùng tiền mặt trong thanh toán hiện chủ yếu được các trung gian thanh toán như ví điện tử, cổng thanh toán hay các ứng dụng tiêu dùng triển khai.

Còn trong trường hợp người tiêu dùng thanh toán bằng ngân hàng điện tử, thẻ tín dụng hay ví điện tử trực tiếp tại quầy, hầu như không được các nhà cung cấp dịch vụ/nhà bán hàng khuyến mãi gì. Chính vì thế, không ít người tiêu dùng cảm thấy “không được lợi” cho nên khó hình thành thói quen không dùng tiền mặt trong thanh toán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn