MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiểm soát tốt giá lương thực, thực phẩm là giải pháp tích cực để giảm áp lực lên lạm phát. Ảnh: Vũ Long

Kiểm soát giá thị trường, không để lạm phát gây áp lực khi tăng lương

Phong Nguyễn LDO | 17/06/2024 07:00

Thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1.7.2024, đặc biệt, từ năm 2025, mức lương sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải triển khai các giải pháp để ngăn chặn tình trạng “lương chưa tăng, giá đã tăng”.

Chỉ số giá 5 tháng đầu năm 2024. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Lạm phát năm 2024 không đáng lo ngại

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), bình quân 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, CPI cả năm 2024 sẽ vẫn được kìm giữ ở mức dưới 4%, theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra.

Chia sẻ với PV Lao Động, PGS.TS Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm, vấn đề lạm phát không còn đáng lo ngại, giá cả hàng hóa tiêu dùng đi vào bình ổn, nhất là các mặt hàng nằm trong "rổ" tính CPI. TS Nguyễn Đức Độ cũng nhận định rằng, lạm phát so với cùng kỳ nhiều khả năng đã đạt đỉnh vào tháng 5.2024 và sẽ giảm rất mạnh trong các tháng 6, 7 và 8.

"Nếu không điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục, lạm phát trung bình cả năm 2024 dự báo chỉ ở mức 3-3,5%, kể cả khi có điều chỉnh thì cũng dưới 4%. Việc tăng lương chỉ liên quan đến khu vực công và quy mô không lớn nên không ảnh hưởng nhiều đến lạm phát", TS Nguyễn Đức Độ khẳng định.

Ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JCI Việt Nam 2022 nhấn mạnh, lạm phát của Việt Nam có thể nhận được sự hỗ trợ tích cực từ mặt bằng giá hàng hóa của thế giới khi dự báo năm nay lạm phát toàn cầu có thể hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, một yếu tố lạc quan là sản xuất nông nghiệp trong nước có nhiều thuận lợi, nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sẽ là nhân tố quan trọng giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá nói chung, do đó, lạm phát năm nay sẽ vẫn trong tầm kiểm soát.

Kiểm soát tốt giá lương thực, thực phẩm là giải pháp tích cực để giảm áp lực lên lạm phát. Ảnh: Vũ Long

Không để tiểu thương "tát nước theo mưa" khi tăng lương

Một thực tế đã diễn ra trong nhiều năm là mỗi khi Chính phủ điều chỉnh quy định, tăng lương cho người lao động, thì gần như ngay lập tức, các tiểu thương ở chợ đã "tát nước theo mưa", lợi dụng tăng lương để tăng giá.

"Muốn thực hiện được mục tiêu tăng thu nhập cho NLĐ ngoài việc tăng lương còn phải kìm được tốc độ "phi mã" của hàng hóa, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu và các dịch vụ y tế, giáo dục", ông Vũ Tuấn Anh thẳng thắn chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhấn mạnh rằng, để kiểm soát lạm phát năm 2024 đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, cần triển khai quyết liệt nhiều giải pháp.

Trong đó, việc tăng giá các hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý như mặt hàng điện, các dịch vụ y tế, giáo dục..., các bộ, ngành cần phải lên kế hoạch, xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do mình quản lý cụ thể theo từng tháng, từ đó Ban Điều hành giá của Chính phủ có thể chủ động xem xét và quyết định thời điểm cũng như mức độ điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý một cách đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thị trường mà vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

"Tránh điều chỉnh giá cùng với thời điểm tăng lương 1.7.2024, dễ gây lạm phát kỳ vọng kéo giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo" - bà Hương lưu ý.

Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cũng nhấn mạnh, cần đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược.

"Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas...) để có giải pháp điều hành và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp cuối năm nhằm hạn chế tăng giá. Triển khai tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tung tin thất thiệt gây bất ổn giá cả thị trường" - bà Oanh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn