MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn bộ các loại thép trên thị trường đều tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua. Nguồn: VSA

Kiểm soát xuất khẩu để "giảm nhiệt" giá thép

Văn Nguyễn LDO | 15/05/2021 08:44

Trong bối cảnh giá thép tại thị trường trong nước tăng tới 40% so với cùng kỳ khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng gặp nhiều khó khăn, sản lượng thép xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước vẫn tăng mạnh chưa từng thấy.

Bất ngờ xuất khẩu thép

Dữ liệu thị trường tháng 5 vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam công bố cho thấy, tính chung trong 4 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất thép các loại của các doanh nghiệp trong nước đạt gần 10,5 triệu tấn, tăng 38,3% so với cùng kỳ 2020. Trong số này, sản lượng bán hàng đạt gần 9,5 triệu tấn, tăng 40,3% so với cùng kỳ 2020.

Số liệu gây nhiều chú ý là sản lượng xuất khẩu thép các loại của các doanh nghiệp trong 4 tháng đầu đạt gần 2,17 triệu tấn và tăng tới 67,8% so với 4 tháng năm 2020. Đặc biệt trong tháng 4.2021, xuất khẩu thép các loại dù có xu hướng giảm nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn đạt hơn 534 nghìn tấn, tương mức tăng gấp đôi so với cùng kỳ tháng 4.2020.

Theo đó dù chưa công bố trị giá xuất khẩu cụ thể trong 4 tháng đầu năm nay, song theo Hiệp hội Thép Việt Nam, chỉ tính trong quý I/2020, Việt Nam xuất khẩu thép đạt 2,92 triệu tấn, với trị giá đạt 2,043 tỉ USD đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc.

Trong khi đó theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao trong các tháng đầu năm đã làm cho giá thép thành phẩm tăng theo, gây ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất liên quan sử dụng sản phẩm thép. Chính vì vậy việc các doanh nghiệp trong nước có sản lượng thép xuất khẩu tăng vọt trong các tháng đầu năm là diễn biến gây rất nhiều bất ngờ với thị trường.

Đặc biệt trong bối cảnh theo như đánh giá của Bộ Công Thương là nhu cầu tăng, nguồn cung sụt giảm trên toàn cầu là nguyên nhân căn cơ nhất khiến giá thép bị đẩy lên rất cao trong thời gian qua.

Phải ưu tiên thị trường trong nước

Thực tế trên đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp thép và cơ quan quản lý nhà nước cần có ngay các biện pháp nhằm cân đối lại sản lượng bán hàng trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới đây nhằm hạn chế tối đa nguy cơ giá thép tiếp tục tăng do chênh lệch cung cầu.

Bộ Công Thương cũng vừa chính thức gửi văn bản đến Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp, các nhà sản xuất thép lớn trong nước trong đó đề nghị Hiệp hội rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm và có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam thực hiện việc rà soát các đại lý phân phối trong việc cung cấp hàng đến các hộ tiêu thụ, người tiêu dùng, tránh các hiện tượng găm hàng, đẩy giá và cạnh tranh không lành mạnh. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nếu có các khó khăn, vướng mắc đề nghị kiến nghị cụ thể với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trước đó cũng khuyến nghị các doanh nghiệp tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước, đồng thời tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước.

Trao đổi với PV Báo Lao Động liên quan đến biện pháp cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho hay, doanh nghiệp hiện đang ưu tiên thị trường trong nước, đảm bảo đủ hàng cho hệ thống đại lý trong nước và hiện vẫn chưa có kế hoạch xuất khẩu thép cuốn cán nóng (HRC) mà ưu tiên toàn bộ cho thị trường trong nước.

Trước đó theo Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), các nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do giá thép tăng phi mã từ đầu năm đến nay, đặc biệt tăng cao trong tháng 4.2021. VACC dẫn chứng, giá một loại thép trong quý IV/2020 là 13.145 đồng/kg hiện được bán ở Đà Nẵng với giá 18.370 đồng/kg, tăng 40%.

Trong khi đó, giá thép do Sở Xây dựng Đà Nẵng công bố với nhà thầu áp dụng thanh quyết toán cũng chỉ là 13.805 đồng/kg. Không riêng gì loại thép này mà tất cả các thương hiệu thép đều đồng loạt tăng giá từ 30% đến 40% so với quý cuối năm trước. Điều này dẫn tới các nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng phi mã.

Sớm có thông tin công suất để ổn thị trường

Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp thành viên cung cấp thông tin về công suất nhà máy và kế hoạch sản xuất bán hàng trong Quý II/2021 và dự kiến cả năm 2021 để tổng hợp, báo cáo với cơ quan nhà nước và truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ đến người tiêu dùng thép góp phần đảm bảo bình ổn thị trường thép trong nước trong thời gian tới. N.V

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn