MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyên nhân phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản ở Thanh Hóa do không bố trí đủ vốn hoặc nghiệm thu vượt kế hoạch vốn. Ảnh minh họa: Xuân Hùng

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý nợ đọng xây dựng cơ bản ở Thanh Hóa

Xuân Hùng LDO | 05/03/2024 10:14

Trong kết quả báo cáo kiểm toán gần đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra hàng loạt hạn chế, vi phạm trong công tác quản lý nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo báo cáo của các đơn vị trong tỉnh Thanh Hóa, đến hết năm 2022, số vốn còn thiếu chưa bố trí để thanh toán khối lượng hoàn thành (nợ đọng xây dựng cơ bản) cho các dự án hoàn thành đã đươc phê duyệt quyết toán là hơn 754,78 tỉ đồng.

Theo đó, nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án hoàn thành đã phê duyệt quyết toán do cấp tỉnh quản lý là 35,6 tỉ đồng.

Qua kiểm toán cho thấy, công tác quản lý theo dõi nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn bất cập.

Sở KHĐT chỉ theo dõi và tổng hợp nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án hoàn thành đã được phê duyệt quyết toán, số liệu báo cáo của sở là trên cơ sở rà soát và tổng hợp số liệu báo cáo của các huyện và các chủ đầu tư cấp tỉnh.

Trong khi đó, số liệu báo cáo năm 2022 còn thiếu số liệu của 5 huyện (Triệu Sơn, Thạch Thành, Quan Sơn, Quan Hóa, Như Xuân).

Mặt khác, công tác tổng hợp số liệu nợ của nhiều huyện chưa chính xác, không nhất quán giữa các lần báo cáo, qua đối chiếu chỉ tiêu nợ đến hết năm 2021 và trên báo cáo năm 2023 với báo cáo năm 2022 của Sở KHĐT nhận thấy cùng chỉ tiêu nhưng báo cáo năm sau cao hơn báo cáo năm trường tới hơn 1,16 nghìn tỉ đồng.

Theo báo cáo của Sở KHĐT, nguyên nhân dẫn đến con số chênh lệch lớn như vậy là năm 2023, 10 huyện đã báo cáo thay đổi số liệu tăng so với đã báo cáo năm 2022.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ, 13/13 huyện được kiểm toán đều có nợ xây dựng cơ bản, trong đó 10/13 huyện để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2022. Nguyên nhân chưa giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh từ các năm trước chủ yếu do việc phân bổ vốn đầu tư chưa phù hợp với Điều 51 và khoản 2 Điều 58 Luật Đầu tư công năm 2019.

Việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản ở các huyện năm 2022 là do một số huyện không cân đối được nguồn vốn nên công trình đã triển khai thực hiện nhưng không bố trí được vốn đủ theo kế hoạch (Triệu Sơn, Nga Sơn, TP Sầm Sơn, Yên Định, Thiệu Hóa); một số huyện có các dự án nghiệm thu khối lượng thi công vượt kế hoạch vốn như Đông Sơn, Hà Trung, Hoằng Hóa, Mường Lát, Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa.

Từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đề nghị xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật việc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án có số dư tạm ứng quá hạn chưa thu hồi kéo dài nhiều năm; để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2022; chậm lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn