MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách tham quan Nhà tù Phú Quốc. Ảnh: Nguyên Anh

Kiên Giang cơ cấu lại thị trường, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

NGUYÊN ANH  LDO | 28/11/2022 08:00

Tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025, ngành du lịch Kiên Giang cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là tỉnh trong nhóm có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước.

Vượt gần 25% kế hoạch, du lịch về đích sớm

UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, cơ cấu lại ngành du lịch nhằm tạo bước đột phá phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ. 

Phấn đấu là tỉnh trong nhóm có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước, TP.Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế. Đến năm 2025, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Theo Sở Du lịch Kiên Giang, tháng 11.2022, tỉnh này đón trên 452.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế hơn 34.000 lượt, tổng thu ước đạt 984 tỉ đồng. Lũy kế 11 tháng, Kiên Giang ước đón trên 7 triệu lượt, tăng gần 165% so cùng kỳ, vượt 26% kế hoạch năm.

Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt trên 9.600 tỉ đồng, vượt gần 25% kế hoạch năm. Riêng TP.Phú Quốc đón trên 320.000 lượt du khách, tổng thu từ các hoạt động du lịch đạt 870 tỉ đồng. Lũy kế 11 tháng, TP.Phú Quốc đón hơn 4,7 triệu lượt du khách, doanh thu ước đạt gần 7.300 tỉ đồng. 

Trên những kết quả tích cực đạt được, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón trên 12 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế gần 1,6 triệu lượt, tạo việc làm cho trên 38.000 lao động trực tiếp, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 38.000 tỉ đồng, đóng góp trên 13% GRDP của tỉnh. 

Cơ cấu lại thị trường khách, sản phẩm du lịch 

Theo Đề án, tỉnh Kiên Giang sẽ cơ cấu lại thị trường khách du lịch, nâng tỉ trọng khách quốc tế trong tổng khách đến Kiên Giang, giảm sự chênh lệch với khách nội địa, đến năm 2025, khách quốc tế chiếm 13%. Phát triển các sản phẩm phù hợp như trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch biển, chăm sóc sức khỏe, mua sắm và vui chơi giải trí, đô thị. 

Nâng tỉ lệ khách nội địa đến 3 vùng du lịch trọng điểm (Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận; Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất và phụ cận; U Minh Thượng và phụ cận), giảm chênh lệch với Phú Quốc, đến năm 2025 đạt 47%. 

Ông Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang - cho biết, để đạt mục tiêu trên, ngành du lịch tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương, Hiệp hội Du lịch triển khai nhiệm vụ, giải pháp như tiếp tục triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch. Kêu gọi doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đầu tư nâng cao chất lượng, làm mới sản phẩm, dịch vụ hiện có.

“Việc cơ cấu lại sản phẩm du lịch, củng cố các sản phẩm du lịch đặc thù hiện có, hình thành mới các sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với cơ cấu lại thị trường khách du lịch sẽ tạo bước đột phá cho du lịch Kiên Giang”, ông Thái chia sẻ. 

Ông Thái cho biết thêm, ngành du lịch cũng chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch, mở rộng liên kết hợp tác với các tỉnh, thành vùng du lịch trọng điểm cả nước nhằm hình thành, phát triển tour du lịch mới kết nối Kiên Giang với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Kiên Giang cũng tổ chức đón các đoàn khảo sát du lịch quốc tế trong và ngoài nước đến khảo sát, trải nghiệm về du lịch.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ cơ cấu lại lao động du lịch, tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo, xây dựng đội ngũ lao động du lịch chất lượng cao, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng phát triển du lịch của tỉnh.

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Tiên và Rạch Giá như ưu đãi về đất đai, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối ngoại vùng, bảo tồn, khôi phục, phát huy, gia tăng số lượng và chất lượng tài nguyên tại các vùng du lịch... Có các giải pháp về chính sách, quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng hình ảnh, thương hiệu điểm đến du lịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn