MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiên Giang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai các chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Ảnh: PV

Kiên Giang hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, chung sức phục hồi kinh tế

NGUYÊN ANH LDO | 16/05/2022 12:35

Kiên Giang - Tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19.

Năm 2021, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang gặp khá nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Việc lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng trên địa bàn tỉnh, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng.

Khi trở lại tráng thái bình thường mới và thực hiện chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” các doanh nghiệp đã tích cực thi đua sản xuất, dần khôi phục lại kinh tế đóng góp chung cho GDP tỉnh Kiên Giang. Các doanh nghiệp cũng chủ động mở rộng giao thương, tiếp cận, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trong năm 2021, tỉnh có trên 1.300 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 52.000 tỉ đồng, góp phần nâng lũy kế lên hơn 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động với trên 177.000 tỉ đồng. Lũy kế đến cuối năm 2021 toàn tỉnh có 823 dự án với tổng vốn đăng ký trên 544.000 tỉ đồng, trong đó có 375 dự án hoàn thành đi vào hoạt động hiệu quả. Tổng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp tính đến hết năm 2021 là trên 106.000 người.

Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, hoạt động của các doanh nghiệp, đời sống người lao động. Ảnh: PV

Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, giãn cách xã hội nên hoạt động của các nhà máy xí nghiệp phải tạm dừng và ảnh hưởng khá lớn đến kinh tế cũng như đời sống người lao động. Tỉnh đã thực thi nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tính đến ngày 17.1.2022, đã phê duyệt hỗ trợ 12 nhóm chính sách cho hơn 324.000 đối tượng, với số tiền trên 400 tỉ đồng, gia hạn nộp thuế, gia hạn tiền thuê đất với số tiền trên 900 tỉ đồng, miễn giảm lãi tín dụng trên 150 tỉ đồng, cho vay lãi suất thấp trên 50.000 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh. “Tỉnh đã tổ chức tiêm vaccine cho lao động tại các khu công nghiệp, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nông sản, tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương, hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc sau dịch…”, ông Nhàn thông tin.

Để nhanh chóng phục hồi, các doanh nghiệp cũng rất cần được hỗ trợ từ các gói, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, của tỉnh để duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là những nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. 

Năm 2022, tỉnh Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai các chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch tạo điều kiện để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh. Ngành công thương của tỉnh cũng sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về vốn vay, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trong và ngoài nước để khôi phục thị trường...

Theo kế hoạch của UBND tỉnh phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có trên 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động, 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Bình quân hàng năm có từ 20-30 hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Tỉ trọng doanh nghiệp lớn chiếm khoảng 5%, số lao động được giải quyết việc làm trên 140.000 lao động. Vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 89% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn