MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
3ha lúa hè thu của gia đình ông Trần Văn Hồng (Vĩnh Thuận, Kiên Giang) trong tình trạng gãy cổ bông hơn 80% do ảnh hưởng mưa bão vừa qua. Ảnh: PV

Kiên Giang: Nông dân lòng như lửa đốt vì nguy cơ lúa hè thu mất mùa

NGUYÊN ANH LDO | 15/10/2020 11:02
Những ngày qua, nông dân trên nhiều địa bàn của tỉnh Kiên Giang đứng ngồi không yên vì hơn 10.000ha lúa hè thu, thu đông bị mưa bão làm sập và sinh ra dịch bệnh. Đặc biệt huyện Vĩnh Thuận thiệt hại hơn 80%, nguy cơ mất trắng của người nông dân ngay trước mắt.

Thất mùa ngay giai đoạn trổ chín

Cùng cán bộ nông nghiệp huyện Vĩnh Thuận đến thăm các hộ dân có lúa bị thiệt hại do đạo ôn cổ bông bà con nông dân lắc đầu ngao ngán. Vụ lúa hè thu năm 2020 nông dân toàn huyện Vĩnh Thuận gieo sạ với diện tích gần 4.000ha, tập trung nhiều nhất là Vĩnh Bình Bắc và Tân Thuận. Tân Thuận là nơi sản xuất lúa 2 vụ nhiều nhất trong huyện, gieo sạ trên 1.786ha, các giống được bà con gieo sạ chủ yếu là Đài thơm 8 và giống OM theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Theo nhiều nông dân ở xã Tân Thuận cho biết giống Đài thơm 8 ít bị sâu bệnh gây hại, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhẹ chi phí. Tuy nhiên, khác với mọi năm thì năm nay giống lúa Đài thơm 8 khi vào giai đoạn trổ chín thì bệnh đạo ôn cổ bông xuất hiện nhiều.

Anh Nguyễn Thanh Phong, ấp kinh 1, xã Tân Thuận nói: “50 công ruộng tới thời điểm này lúa được 80 ngày rồi, lúa đã gãy cổ nhiều khoảng 80-90%, hy vọng nhà nước xem xét hỗ trợ cho nông dân năm nay. Mọi năm cũng làm đài thơm lúa cũng đạt được mùa được giá, nhưng riêng năm nay được giá nhưng lúa thất có thể mất trắng”.

Anh Phong ngậm ngùi cho biết, năm rồi làm lúa được 8-9 tấn/ha năm nay thì... thua. Tốn chi phí rất cao nhưng lúa đến thời điểm vào gạo thì ảnh hưởng bão số 5 lúa ai cũng bị thiệt hại.

Nông dân Vĩnh Thuận vẫn cố gắng phun xịt thuốc trừ đạo ôn cổ bông hy vọng cứu vớt được phần nào diện tích lúa còn lại. Ảnh: PV

Để chủ động trong công tác sản xuất và canh tác vụ hè thu năm nay người nông dân thực hiện rất tốt khâu vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất để nhằm tiêu diệt mầm bệnh gây hại, thực hiện gieo sạ đúng ngành chuyên môn khuyến cáo cũng như cơ cấu giống phù hợp. Tuy nhiên thời tiết bất lợi đã khiến nông dân phải lao đao.

Ông Trần Văn Hồng, ấp kinh 1A, xã Tân Thuận nói: “Tôi làm 3ha lúa, hồi đầu vụ tới giờ lúa rất tốt, bà con thấy lúa chuẩn bị trổ xịt ngừa đạo ôn có người xịt 7-8 lần nhưng mà không biết nguyên nhân sao nó đều gãy cổ hết. Chắc còn khoảng 20% là mừng rồi chứ không hơn nữa”.

Giống tốt, công chăm nhưng vẫn thua "ông trời"

Giống Đài Thơm 8 có đặc tính là có thời gian sinh trưởng ngắn từ 90 - 95 ngày; chiều cao cây thấp, cứng cây, chống đổ ngã tốt, đẻ nhánh khỏe, bông hữu hiệu nhiều, độ kết hạt dày, ít lép cậy; chống chịu sâu bệnh khá tốt và năng suất cao từ 7 - 9 tấn/ha; chịu được phèn, mặn rất tốt.

Đặc biệt là đặc tính cơm gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như hạt gạo thon dài, trong, không bạc bụng. Thạc sĩ Khưu Thế Nhã, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Thuận cho biết: “Thời gian gần đây thời tiết bất lợi nắng hạn kéo dài, trong giai đoạn lúa đẻ nhánh cũng gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây lúa một phần. Đến giai đoạn trổ thì gặp những trận mưa bão kéo dài, nông dân không kịp trở tay với dịch bệnh”.

Theo thống kê của trạm Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Thuận vào tuần rồi, diện tích nhiễm dịch hại tăng hơn 4.206ha. Các đối tượng gây hại chủ yếu là bệnh đạo ôn cổ bông, cháy bìa lá, sâu cuốn lá và rầy nâu. Riêng bệnh đạo ôn cổ bông diện tích nhiễm trên 2.640 ha, trong đó nhiễm nặng hơn 500ha, tập trung ở xã Tân Thuận, Vĩnh Bình Bắc.

Thạc sĩ Khưu Thế Nhã, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Thuận cho biết thêm: “Để hạn chế một phần sự lây lan dịch hại đặc biệt là gãy cổ bông thì bà con cần thăm đồng thường xuyên. Nếu điều kiện lúa bắt đầu ôm đòng đến trổ thì phun thuốc ngừa đạo ôn cổ bông vào giai đoạn lúa trổ đều. Nếu sợ mầm bệnh còn lưu tồn có thể quét lại lần thứ 2, 3 để ngăn chặn”.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp, việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng hợp lý và có bộ giống ổn định về năng suất, chất lượng góp phần giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất. Thế nhưng, thời tiết không ủng hộ người nông dân và họ đứng trước nguy cơ mất mùa như vụ hè thu năm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn