MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu hoạch lúa nếp tại ĐBSCL. Ảnh: Phấn Đấu

Kiến nghị xuất khẩu lại gạo nếp không giới hạn sản lượng

KỲ QUAN LDO | 17/04/2020 08:18
Hai tỉnh Long An và An Giang vừa có kiến nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu (XK) lại gạo nếp vì lượng tồn kho lớn trong khi nhu cầu tiêu dùng nội địa không nhiều. Gạo nếp sản xuất chủ yếu theo đơn đặt hàng của nước ngoài.

Đồng loạt kiến nghị

Ngày 3.4.2020, UBND tỉnh Long An đã gửi công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế XK lại gạo nếp mã HS 1006.30 không giới hạn số lượng. UBND tỉnh Long An cũng gửi công văn kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT về cùng nội dung trên. Sau đó, HĐND tỉnh Long An cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị việc cho XK gạo nếp không giới hạn số lượng. Cùng lúc, UBND tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh An Giang cũng đã có công văn gửi Chính phủ và các bộ liên quan kiến nghị cho XK gạo nếp.

Long An và An Giang là 2 địa phương có diện tích sản xuất nếp lớn nhất vùng ĐBSCL, các tỉnh thành khác nông dân cũng gieo trồng nếp nhưng diện tích ít hơn. Việc tạm ngưng XK gạo nếp đang làm các doanh nghiệp (DN) XK nếp và nông dân trồng nếp các tỉnh điêu đứng, dẫn đến việc chính quyền 2 tỉnh Long An và An Giang phải “kêu cứu”.

Theo UBND tỉnh Long An, hiện tồn kho nếp trong các DN của tỉnh khoảng 56.000 tấn (chưa kể phần còn nằm trong dân), 

trong khi nếp tiêu dùng trong dân rất ít vì người VN không có thói quen dùng cơm nếp hằng ngày, nên nếp nằm kho không thể bán được. Tỉnh Long An có diện tích trồng nếp chiếm khoảng 30% - 32% diện tích gieo sạ toàn tỉnh, trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020 vừa qua, diện tích nếp khoảng 65.000ha. Chỉ một ít diện tích nếp bị ảnh hưởng do hạn mặn, phần còn lại trúng mùa, cho sản lượng hàng trăm nghìn tấn gạo, hầu hết còn đang nằm trong kho các DN hoặc lúa trong dân.

Trước đó, tại cuộc họp ngày 26.3.2020 do Bộ Công Thương chủ trì bàn về XK gạo, tỉnh Long An và nhiều tỉnh thành khác cũng đã kiến nghị cho XK nếp với cơ chế đặc thù không giới hạn số lượng, vì mặt hàng nếp trong nước sản xuất nhiều, nhưng nhu cầu tiêu dùng trong nước rất ít.

Tỉnh Long An kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ cho XK mặt hàng nếp không hạn chế số lượng nhằm giải quyết lượng tồn kho nếp trong các DN và trong dân, giúp DN tiếp tục thu mua nếp trong nông dân với giá mua tốt.

Nếp trồng để cung cấp cho thị trường thế giới

Theo ông Lê Minh Đức -  Giám đốc Sở Công Thương Long An, do thói quen tiêu dùng nên lượng gạo nếp tiêu thụ nội địa rất ít. Vì vậy trước đây ít nông dân trồng lúa nếp, chủ yếu tiêu dùng trong gia đình. Sau này, do chất lượng nếp của vùng ĐBSCL chất lượng tốt, có uy tín, nên các thương nhân nước ngoài (phần nhiều từ Trung Quốc) đã đặt hàng gạo nếp các tỉnh ĐBSCL để mang về làm các loại bánh. Từ đó diện tích trồng nếp ở ĐBSCL tăng dần.

Cũng theo ông Đức, diện tích trồng nếp tăng nhanh, nhưng không phải tự phát, mà được khép kín trong chuỗi liên kết, hầu hết có hợp đồng bao tiêu giữa thương nhân nước ngoài với DN trong nước và giữa DN trong nước với các hộ trồng nếp.

Ông Nguyễn Quang Hòa - Giám đốc Cty TNHH Dương Vũ (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, chuyên XK gạo nếp) - cho biết, việc dừng XK nếp sẽ bẻ gãy chuỗi liên kết giá trị, làm cho DN trong nước vi phạm hợp đồng với đối tác nước ngoài, nguy cơ phải chịu bồi thường. Còn trong nước, do không XK được nếp tồn kho, các DN không thể mua tiếp nếp còn trong nông dân, vụ mùa tới kế hoạch sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương sẽ bị đỗ vỡ…

Đó là chưa nói đến việc VN sẽ bị mất khách hàng khi thương nhân nước ngoài chuyển mua nếp ở các thị trường khác. 

Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - ông Đặng Văn Xướng - cho biết, gạo nếp chiếm không đáng kể, dưới 1% trong nhu cầu tiêu dùng của người VN. Vì vậy mà theo ông Xướng, phải mở rộng cửa để XK nếp, trải thảm mời gọi khách hàng nước ngoài đến mua nếp chất lượng cao của nông dân ĐBSCL, giúp nhà nông khá lên, giúp nông nghiệp VN phát triển. Không thể vì lý do bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà làm tổn hại đến chuỗi liên kết giá trị hạt gạo nếp mà các DN và nhà nông đã dày công tạo dựng. 

Sau vụ mở tờ khai hải quan lúc nửa đêm: Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc mở tờ khai xuất khẩu gạo

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo xử lý phản ánh việc triển khai đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan Hải quan dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 15.4, Báo Lao Động đã có bài phản ánh: Sau vụ mở tờ khai hải quan lúc nửa đêm: Kiến nghị giải tỏa, thông quan lượng gạo tại cảng.

Về việc triển khai đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo của cơ quan Hải quan và việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không nhận được đầy đủ thông tin về việc mở tờ khai xuất khẩu gạo, dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu tháng 4.2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10.4.2020 của Văn phòng Chính phủ, trong đó nêu cụ thể về quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống; công tác phối hợp với Bộ Công Thương về việc này. Đồng thời, Bộ Tài chính báo cáo việc mua tạm trữ lương thực theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 140/TB-VPCP ngày 3.4.2020 và văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10.4.2020 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Công Thương báo cáo về việc triển khai văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10.4.2020 của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10.4.2020 của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung nêu trên trước ngày 18.4.2020. Quang Hoàng

Bộ NNPTNT cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nếp 

Ngày 16.4.2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) đã có công văn số 2629/BNN-TT gửi Bộ Công Thương về việc xuất khẩu gạo nếp, gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ an ninh lương thực quốc gia không?

Trong nội dung công văn số 2629/BNN-TT trả lời công văn số 2666/BCT-XNK ngày 15.4.2020 của Bộ Công Thương về xuất khẩu gạo nếp, Bộ NNPTNT nêu rõ:

Theo danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 94/2013-NĐ-CP ngày 21.8.2013 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật dự trữ Quốc gia, thì danh mục hàng lương thực dự trữ quốc gia chỉ có 2 loại: Thóc tẻ và gạo tẻ, do Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) được phân công quản lý.

Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cũng cho biết thông tin về diện tích gieo trồng, sản lượng dự kiến (quy gạo) của gạo nếp tại từng tỉnh Long An và tỉnh An Giang theo từng vụ. 

Cụ thể, vụ Hè Thu 2019: Tỉnh Long An: 183.000 tấn gạo nếp. Tỉnh An Giang: Khoảng 93.000 tấn gạo nếp. Vụ Thu Đông 2019: Tỉnh An Giang 65.000 tấn gạo nếp. Vụ Đông Xuân 2019-2020, tỉnh Long An: Khoảng 258.000 tấn gạo nếp. Tỉnh An Giang: Khoảng 195.000 tấn gạo nếp.

Trên cơ sở đó, Bộ NNPTNT kiến nghị tiếp tục cho phép xuất khẩu lượng gạo nếp hàng hóa của vụ Đông Xuân 2019-2020 và đề nghị Bộ Công Thương cung cấp tình hình xuất khẩu, nhu cầu của thị trường để làm cơ sở điều tiết tỉ lệ diện tích và sản lượng lúa nếp trong các vụ tiếp theo. Kim Khánh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn