MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biện pháp phòng vệ thương mại đã được ngành mía đường Việt Nam sử dụng để bảo vệ hàng hóa trong nước. Ảnh minh họa: Nguyễn Huyền

Kiện phòng vệ thương mại trong nước trả đũa cho hàng xuất khẩu được không?

Thế Lâm LDO | 20/11/2021 14:58

Số vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa xuất xứ Việt Nam tại nước ngoài nhiều hơn nhiều lần so với số vụ kiện ở trong nước.

Bị kiện nhiều gấp 8 lần đi kiện

Theo số liệu được bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nêu ra, tính từ năm 2000 đến nay, hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam đã gặp phải 204 vụ kiện PVTM ở nước ngoài, trong đó phần lớn là các vụ kiện chống bán phá giá.

Số vụ hàng hóa Việt Nam bị kiện PVTM ở nước ngoài đặc biệt tăng mạnh từ năm 2017 trở lại đây, trùng với thời điểm các quốc gia, thị trường gia tăng mạnh mẽ bảo hộ hàng hóa và tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể, từ năm 2017 tới nay số vụ chiếm tới khoảng 45% trong tổng số 204 vụ.

Ở chiều ngược lại, các vụ kiện PVTM trong nước (hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tiến hành khởi kiện, là nguyên đơn) tương ứng với khoảng thời gian trên chỉ tổng cộng 25 vụ (trong đó có 16 vụ chống bán phá giá), chỉ bằng 12,25% so với số vụ bị kiện.

Theo bà Trang, thời gian đầu, doanh nghiệp Việt chưa biết cách sử dụng công cụ PVTM. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc sử dụng công cụ này đã tăng lên. Cụ thể, tính từ năm 2015 tới nay chiếm 22 vụ, còn tính từ 2017 tới nay chiếm 17 vụ.

Doanh nghiệp Việt có thể kiện trả đũa?

PVTM là công cụ hợp pháp được WTO quy định để các quốc gia, thị trường bảo vệ sự cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ hàng hóa trong nước và xuất khẩu khi gặp những tình huống bất ngờ.

Tuy nhiên, PVTM hoàn toàn không phải là công cụ để trả đũa trong bối cảnh số vụ kiện PVTM đối với hàng hóa Việt Nam tại nước ngoài có dấu hiệu gia tăng.

Theo bà Trang, biện pháp PVTM là một công cụ để doanh nghiệp Việt Nam bảo vệ mình tại thị trường trong nước, nhưng không có nghĩa là có thể lạm dụng, vì như thế có thể dẫn đến những hệ lụy lớn hơn cho doanh nghiệp, ngành sản xuất trong nước.

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương - cho biết thêm, việc áp dụng biện pháp PVTM tại thị trường trong nước, cũng xem như hạn chế nhập khẩu. Trước hết, cơ quan quản lý phải điều tra từ hồ sơ đề nghị của nhà sản xuất trong nước với đầy đủ các thông tin, thực trạng, mối quan hệ nhân - quả gây ra thiệt hại…

Ông Dũng đơn cử vụ kiện PVTM trong nước của ngành mía đường, có dư luận cho rằng, cơ quan quản lý chậm nhập cuộc để bảo vệ doanh nghiệp Việt và thị trường trong nước. Tuy nhiên, theo quy định của WTO, việc đánh giá thiệt hại khi mở cửa thị trường thông thường phải sau một năm, trường hợp khẩn cấp ít nhất phải 6 tháng, cơ quan quản lý phải chờ có đầy đủ dữ liệu để xem xét.

Trên thực tế, cơ quan quản lý tại Việt Nam xem xét hồ sơ khởi kiện của phía doanh nghiệp Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài không đồng nghĩa là hoàn toàn có thể bênh vực “gà nhà” mà vi phạm các quy định pháp luật liên quan cũng như các cam kết quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, nếu hồ sơ khởi kiện của doanh nghiệp Việt Nam hợp lệ và đáp ứng các tiêu chí, cơ quan quản lý Việt Nam không thể không tiến hành điều tra. Và nếu kết quả điều tra đúng với nội dung nêu trong đơn khởi kiện thì việc áp thuế sẽ được tiến hành.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng phải khách quan công bằng và minh bạch, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp Việt Nam lạm dụng PVTM đi quá mục tiêu lập lại trật tự công bằng, bằng cách thường xuyên nghe những buổi điều trần của các bên liên quan.

Bởi về nguyên tắc, các quốc gia xuất khẩu có thể khiếu nại lên WTO, hoặc áp đặt biện pháp trả đũa lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn