MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá thịt lợn đang có dấu hiệu giảm đà tăng trong 2 ngày qua. Ảnh: Kh.V

Kiên quyết đấu tranh với chiêu trò “găm hàng thổi giá” thịt lợn

L.V LDO | 19/11/2019 12:05

Tại thời điểm này, nguồn cung thịt lợn không thiếu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp xử lý để thương lái không có cơ hội găm hàng, thổi giá.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Dương-Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh đến thời điểm này, có 5,7 triệu con lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi, chiếm khoảng 8,5% tổng trọng lượng thịt lợn cả nước. Như vậy là nguồn cung thịt lợn không thiếu.

Thông tin về thịt lợn đang bị các thương lái làm cho nhiễu loạn, khâu lưu thông cũng đang có vấn đề, chứ thực tế nguồn cung không thiếu. Tại các trang trại chăn nuôi của các doanh nghiệp lớn được quản lý bài bản của CP, Dabaco, Masan…, lợn hơi vẫn phát triển tốt đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

“Tuy số lượng lợn chăn nuôi gia hộ nhỏ lẻ trong dân đã giảm, nhưng sự tăng hay giảm đàn của nông hộ không có khả năng quyết định được giá thịt lợn. Giá lợn phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp chăn nuôi có tổng đàn hàng triệu con như CP”-một chuyên gia ngành chăn nuôi khẳng định.

Cục Chăn nuôi cho rằng, chiêu trò vừa bán cầm chừng vừa tung tin đồn của một số thương lái chỉ có tác dụng trong một thời điểm ngắn. Để giá lợn hơi sát với thực tế, không chỉ ngành chăn nuôi, mà các địa phương cần thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá các loại thực phẩm của từng vùng, nhất là mặt hàng thịt lợn để người sản xuất và tiêu dùng biết. Khi thông tin công khai minh bạch, người dân không bị sức ép tâm lý, thương lái sẽ không còn cơ hội để găm hàng, thổi giá lên cao.

Thông tin về giá lợn tăng chủ yếu tập trung phản ánh những nơi có giá cá biệt. Việc này gây ra hiệu ứng lan tỏa thông tin giá lợn trong nước tăng cao do thiếu nguồn cung, khiến thương lái lợi dụng găm hàng, “thổi” giá lên cao bất thường. Chính vì vậy, đã xảy ra tình trạng ở mỗi địa phương một giá.

Về vấn đề này, ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin cho rằng, giải pháp đầu tiên cần thực hiện ngay là tháo gỡ khó khăn trong lưu thông. Đề nghị Cục Thú y phối hợp với các địa phương tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển lưu thông các vùng miền; cần tạo điều kiện thuận lợi trong khâu vận chuyển lưu thông mặt hàng thực phẩm, nhất là thịt lợn, để các hộ giết mổ nhỏ lẻ tiếp cận được nguồn lợn thịt thông qua các điểm mở bán lợn thịt công khai có kiểm soát an toàn dịch.

Bên cạnh đó, ngành Công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết Canh Tý tới đây.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi cũng chung ý kiến, từ nay đến Tết Nguyên Đán nhu cầu tiêu dùng thịt lợn sẽ tăng khoảng 30% so với hiện tại, nếu không gối đàn sẽ bị ảnh hưởng đến nguồn cung, nên việc tái đàn an toàn là cần thiết và phải được thực hiện sớm.

Việc tái đàn lợn phải có kiểm soát và áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; tái đàn ở những nơi đã có dịch đáp ứng đủ điều kiện tái đàn và mở rộng quy mô đàn ở nhưng nơi vẫn đang còn an toàn dịch.

Ông Vũ Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cũng kiến nghị để giảm bớt áp lực nguồn cung, các bộ ngành cần quyết liệt và thường xuyên trong kiểm soát lợn xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi nên kéo dài thời gian nuôi, đây là giải pháp tăng sản lượng thịt nhanh nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn