MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 đạt kỷ lục

Lục Tùng - Tạ Quang LDO | 16/12/2022 15:17

Đồng Tháp – Năm 2022 kim ngạch xuất khẩu cá tra lập kỷ lục khi dự kiến đạt 2,4 tỉ USD. 

Chiều 16.12, trong chuỗi sự kiện Lễ hội cá tra tại TP. Hồng Ngự, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất, tiêu thụ cá tra năm 2022.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tạ Quang

Theo Bộ NNPTNT, năm 2022 sản xuất, tiêu thụ cá tra tăng mạnh trên cả 3 phương diện. Ước cả năm, thả nuôi 5.500ha, tăng 104% so cùng kỳ năm 2021; sản lượng đạt khoảng 1,6 triệu tấn, tăng 103,5% so cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 2,4 tỉ USD, tăng khoảng 70% so cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỉ USD. Đáng mừng hơn là công tác quản lý về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm tăng đáng ghi nhận.

Chăm sóc cá tra tại vùng nuôi xuất khẩu. Ảnh: Lục Tùng

Theo đó, công tác quản lý điều kiện nuôi, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và chứng nhận thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt đạt nhiều giá trị tích cực. Cụ thể, đã cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi đạt 93,2% diện tích. Tính đến 30.11, đã cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho 356  cơ sở trên diện tích 3.192,4ha tại 11 tỉnh... Đặc biệt là công tác giám sát dư lượng hoá chất, kháng sinh trong quá trình nuôi, chế biến xuất khẩu đã có bước cải thiện tích cực. Trong năm 2022 chỉ phát hiện 07 trong số 930 mẫu vi phạm…

Bên cạnh đó, tại hội nghị, các đại biểu cũng thống nhất cho rằng việc thực hiện đề án liên kết sản xuất cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL khi đã sản xuất, cung  ứng khoảng 12 tỉ cá tra bột và 1,2 tỉ cá tra giống có chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc. Điều này không chỉ cải thiện tốc độ tăng trưởng, nâng cao tỷ lệ sống giai đoạn ương và khánh bệnh gian thận mủ… Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo ngại trước những thách thức đã và đang đe doạ ngành hàng cá tra.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành cá tra năm 2022. Ảnh: Tạ Quang

Cụ thể, bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu,.. còn có yếu tố giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, cước vận chuyển đã và đang tăng cao, gây áp lực đối với hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng sử dụng cá bố mẹ chưa rõ nguồn gốc, chất lượng kém, gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của toàn chuỗi ngành hàng. Trong khi đó, công tác kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở, sản xuất, ương dưỡng giống thuỷ sản… chưa được thực hiện nghiêm túc.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị chuyên môn, cùng các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức cách làm để cải thiện tình hình theo hướng tốt nhất. Trong đó đặc biệt là tiếp tục nâng cao chất lượng giống cá tra… Đặc biệt là tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo các tính trạng mới về khả năng kháng bệnh, tỉ lệ phi lê, mùi vị sản phẩm, tỉ lệ đạm, mỡ trong sản phẩm… theo nhu cầu thị trường.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Lục Tùng

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra điều kiện cơ sở nuôi, cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường theo phân cấp và nhất là tiếp tục tổ chức hợp tác, liên kết chuỗi; nâng cao năng lực ứng phó với sự thay đổi của thị trường.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, các địa phương và tổ chức nghề như: Hiệp hội cá tra Việt Nam, Hiệp hội VASEP phải phát huy hơn nữa công tác quản lý, nghiệp vụ… vừa đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi, vừa khuyến khích các cơ sở chăn nuôi, sản xuất sử dụng hoá chất, kháng sinh theo đúng quy định. Đồng thời có những dự báo ngắn, dài hạn và kịp thời chia sẻ thông tin  cho các cơ quan quản ký, doanh nghiệp để phối hợp tháo gỡ…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn