MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kinh doanh ảm đạm, nhiều cửa hàng thời trang đặt kỳ vọng vào mùa Tết

MỸ LY LDO | 12/01/2024 11:08

Dù sức mua của người tiêu dùng giảm đi một nửa nhưng vào mùa Tết, các chủ kinh doanh vẫn mạnh dạn nhập hàng và tung ra nhiều chương trình khuyến mãi với hy vọng gỡ gạc lại cho một năm khó khăn.

Sức mua giảm một nửa

Kinh doanh cửa hàng thời trang tại quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đã gần 8 năm nhưng đây được xem là một trong những năm ảm đạm nhất của anh Trần Văn Tâm khi lợi nhuận giảm đến 30% so với năm trước.

“Kinh tế khó khăn, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng cũng bị giảm mạnh nên việc buôn bán của cửa hàng năm nay chậm hơn so với năm trước nhiều. Đây là tình hình chung của hầu hết các cửa hàng bán lẻ chứ không chỉ riêng tôi. Theo tính toán, doanh thu năm nay giảm từ 20 đến 30%. Có một vài tháng, số tiền bán quần áo thu về chỉ đủ để tôi xoay sở chi phí mặt bằng, nhân viên,… lợi nhuận gần như bằng 0”, anh Tâm nói.

Đặc biệt, dù đã vào mùa mua sắm Tết nhưng theo anh Tâm sức mua của khách hàng vẫn khá chậm, lượng quần áo bán ra chưa thể bằng năm rồi cùng thời điểm.

Anh Tâm cho biết sức mua của khách hàng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể bằng năm vừa rồi. Ảnh: Mỹ Ly

Có cửa hàng quần áo nằm trên đường Nguyễn Trãi – một trong những tuyến phố thời trang sầm uất của TP Cần Thơ nhưng anh Nguyễn Lâm Kim (30 tuổi) cũng không thoát cảnh ngồi cả ngày chờ khách. Thậm chí, tình hình buôn bán của anh còn chậm hơn khi sức mua giảm đến 50% so với năm trước.

Anh Kim kiểm tra lại quần áo lúc vắng khách. Ảnh: Mỹ Ly

“Lúc mới hết dịch, người mua tuy không quá nhiều nhưng ít ra ngày nào cửa hàng tôi cũng có khách đến. Nhưng năm nay kinh tế đi xuống, sức mua và lợi nhuận đều giảm đi một nửa. Thậm chí giờ sắp đến Tết nhưng tình hình cũng không khá hơn là mấy vì người thì thất nghiệp, người thì còn đợi thưởng Tết”, anh Kim chia sẻ.

Kỳ vọng vào mùa Tết

Dù những tháng trước việc kinh doanh ảm đạm nhưng theo anh Tâm, Tết Nguyên đán vẫn luôn là mùa mà nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng cao nhất. Nên anh vẫn mạnh dạn nhập hàng với số lượng tương đương năm vừa rồi: “Kinh doanh thời trang thì quanh năm nhưng sẽ có những mùa bán được. Đặc biệt là Tết Nguyên đán thì dù ít hay nhiều, ai cũng sắm quần áo mới nên tôi vẫn nhập nhiều mẫu mã đa dạng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Cửa hàng của anh Tâm đang chuẩn bị lên nhiều mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của khách hàng. Ảnh: Mỹ Ly

Anh Tâm cho biết thêm, Tết thì chi phí nhân viên, văn phòng phẩm, lặt vặt,... đều tăng nhưng nguồn sỉ quần áo lại không tăng, có nơi còn giảm do thị trường đi xuống. Nhờ đó, giá thành sản phẩm bán lại cho khách hàng sẽ không tăng, thậm chí có một số sẽ giảm. Điều này vừa để người tiêu dùng dễ tiếp cận trong thời buổi kinh tế khó khăn vừa giúp cửa hàng giữ chân khách.

Theo đó, anh Tâm mong muốn với những sự chuẩn bị hiện tại, việc kinh doanh lẫn lợi nhuận sẽ được cải thiện, bù đắp cho những tháng khó khăn: “Hiện sức mua đã phát triển hơn so với những tháng trước nhưng so với cùng kì năm rồi thì không bằng. Dù vậy, năm nay hy vọng với những sự chuẩn bị về số lượng, mẫu mã, giá thành sản phẩm,… cửa hàng sẽ có một cái Tết bùng nổ".

Nhu cầu mua sắm đồ Tết hiện tại của người tiêu dùng vẫn còn thấp. Ảnh: Mỹ Ly

Tương tự, cầm cự qua một năm khó khăn, anh Kim cũng đặt hết hy vọng vào mùa mua sắm Tết: “Cả năm tôi chỉ trông đợi vào mấy ngày Tết này, còn bình thường cũng khá vắng. Để đáp ứng nhu cầu, cải thiện sức mua của khách hàng, cả tháng nay tôi đã bắt đầu tung ra chương trình khuyến mãi 30 – 50% và nhận sửa quần áo tại chỗ cho khách đến mua”.

Để cải thiện sức mua, cửa hàng của anh Kim đã bắt đầu khuyến mãi cả tháng nay. Ảnh: Mỹ Ly

Dù mới bắt đầu áp dụng, chương trình khuyến mãi vẫn chưa giúp sức mua tăng lên là bao nhưng anh Kim vẫn mong Tết này, việc buôn bán sẽ khả quan hơn để có tiền ăn Tết, trang trải các chi phí mặt bằng, điện, nước,… gỡ gạc lại cho một năm đầy khó khăn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn