MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành đường sắt kinh doanh có khởi sắc trong quý IIII/2023. Ảnh: Xuyên Đông

Kinh doanh khởi sắc, ngành đường sắt vẫn chưa hết lo

Xuyên Đông LDO | 15/11/2023 07:51

Vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường sắt đang ghi nhận những tín hiệu khởi sắc, nhiều doanh nghiệp ngành đường sắt cũng đang báo lãi. Tuy nhiên, theo chuyên gia, ngành đường sắt vẫn chưa hết lo.

Công ty đường sắt công bố lãi

Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) vừa công bố lợi nhuận trong quý III/2023 đạt hơn 54 tỉ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Ngoài ra, nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh giúp lợi nhuận gộp tăng 40%, lên gần 110 tỉ đồng. Đây là mức lợi nhuận hàng quý kỷ lục trong lịch sử hoạt động của đơn vị này. Tính chung 9 tháng đầu năm, Đường sắt Hà Nội đạt gần 1.900 tỉ đồng doanh thu thuần và 98 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng tương ứng 9% và 178% so với cùng kỳ.

Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý III với nhiều tín hiệu khả quan. Cụ thể, SRT ghi nhận 442 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với cùng kỳ, lãi sau thuế tăng tới 129% lên 43 tỉ đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm, Đường sắt Sài Gòn ghi nhận gần 1.400 tỉ đồng doanh thu thuần và 81 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng lần lượt 11% và 110% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp theo đó đã thực hiện được 77% kế hoạch doanh thu và vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm (600 triệu đồng).

Trước đó, ngành đường sắt từng trải qua giai đoạn 2017 - 2022 rất khó khăn do hệ thống kinh doanh cũ như kết cấu hạ tầng lạc hậu, bị cắt cụt nhiều tuyến kết nối, năng lực thông quan hạn hẹp, chưa được đầu tư đồng bộ… Cùng với đó là tác động lớn của đại dịch COVID-19, giá nhiên liệu tăng và cạnh tranh giá cước với các loại hình vận tải khác. Thời gian gần đây, ngành đường sắt đã có những đổi mới đáng ghi nhận.

Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đơn vị đã nâng cấp, sửa chữa tàu SE19/SE20 Hà Nội đi Đà Nẵng. Tàu được sơn mới, đầu tư trang thiết bị nội thất để nâng cấp các toa ghế ngồi, toa giường nằm, khu vực rửa tay… Các toa xe chở khách được lắp đặt mới bình nước nóng, thiết bị vệ sinh sứ ở khoang rửa mặt và buồng vệ sinh.

Tàu được sửa chữa mới nhưng giá vẫn giữa nguyên như trước. Cụ thể, giá vé đầu tuần cao nhất 943.000 đồng, giá vé cuối tuần cao nhất 1.046.000 đồng. Tàu SE20 giá vé cao nhất 854.000 đồng. "Việc nâng cấp tàu SE19/SE20 nhằm thu hút khách đi đường sắt cạnh tranh với đường hàng không và đường bộ. Theo đó, công ty đã nhận nhiều phản hồi tích cực. Lượng khách ổn định hơn 200 khách mỗi ngày" đại diện Tổng Công ty đường sắt chia sẻ.

Vẫn chưa hết lo

Trao đổi với Báo Lao Động, GS.TS Bùi Xuân Phong - Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam - đánh giá, ngành đường sắt bước đầu có sự khởi sắc. Nhà nước đã quan tâm hơn tới ngành đường sắt.

"Giới chuyên gia đang rất kỳ vọng vào việc triển khai dự án đường sắt cao tốc tới đây sẽ là một khâu đột phá trong ngành đường sắt” - GS.TS Bùi Xuân Phong bày tỏ.

Mặc dù ngành đường sắt có sự khởi sắc nhưng nội tại ngành này vẫn còn khó khăn. Một thời gian dài, các công ty đường sắt làm ăn bết bát nên chưa thể phục hồi phát triển như giai đoạn trước COVID-19.

Để ngành đường sắt phát triển bền vững, theo GS.TS Bùi Xuân Phong, ngành đường sắt phải tự đổi mới chính mình. Theo đó, các công ty đường sắt tăng cường nâng cao cơ sở vật chất đến chất lượng phục vụ để hấp dẫn, cạnh tranh với các loại hình vận tải khác.

Thời gian tới, bên cạnh việc dành nguồn lực đầu tư phát triển đường sắt, Nhà nước cần tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành đường sắt một cách triệt để hơn. Lần tái cơ cấu này, ngành đường sắt có thể nghĩ tới việc thành lập công ty vận tải hàng hóa riêng.

Bên cạnh đó, công ty đường sắt nên bổ sung một số ngành nghề mới, mở đường để cho thuê kho bãi, mặt bằng của các nhà ga, sau đó cải tạo, nâng cấp nhà ga kết hợp thương mại tại các trung tâm thành phố, thị xã lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn