MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người kinh doanh nhà phố cho thuê không thể gượng dậy sau nhiều đợt dịch bùng phát liên tiếp. Ảnh: Gia Miêu

Kinh doanh nhà phố cho thuê ở TPHCM "méo mặt" vì đợt dịch COVID-19 thứ 4

Gia Miêu LDO | 11/06/2021 12:00
Đợt bùng dịch COVID-19 thứ 4 đang khiến cho những người đầu tư phân khúc nhà phố cho thuê lao đao.

Trải qua 3 đợt bùng phát COVID-19, với sự kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước, phân khúc bất động sản bán lẻ tại TPHCM tiếp tục có những tín hiệu hồi phục và tăng trưởng tích cực thể hiện qua tỉ lệ lấp đầy, nguồn cung mới hay việc nhiều hãng bán lẻ quốc tế vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, những thương hiệu bán lẻ hoạt động trong các lĩnh vực ăn uống, cửa hàng tiện lợi, các ngành thiết yếu vẫn có kế hoạch mở rộng với những tín hiệu lạc quan. Giá thuê dần phục hồi, nhất là các mặt bằng ở vị trí trung tâm.

Tuy nhiên, đối diện với làn sóng thứ 4 của COVID-19 vào tháng 05.2021, một vài mặt bằng thuê dù đã dựng vách thi công cũng chấp nhận chịu lỗ và tiến hành trả mặt bằng do những thay đổi trong chiến lược của các nhà bán lẻ nhằm thích ứng với đại dịch và đẩy mạnh bán hàng qua thương mại điện tử.

Khảo sát trên thị trường cho thấy, không chỉ căn hộ hay nhà phố cho thuê mà mặt bằng ở những khu đất vàng trong khu trung tâm TPHCM có giá thuê tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng cũng đồng loạt treo bảng cho thuê mặt bằng, hạ giá, sang nhượng khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát.

Từ đầu năm 2020 đến nay, giá thuê nhà phố ở nhiều tuyến đường lớn tại TPHCM liên tục điều chỉnh giảm. Cá biệt có trường hợp chủ nhà treo biển giảm giá đến 40% để thu hút khách thuê. Đợt dịch bùng phát lần vào đầu năm 2021 đã đẩy giá thuê nhà phố mặt tiền vào giai đoạn sụt giảm hơn nữa, nhiều nơi chủ nhà phải chia nhỏ diện tích theo sàn với mong muốn dễ cho thuê hơn.

Mặt tiền đường Nguyễn Trãi, quận 1 vốn là con đường sầm uất trước đây vẫn trong tình trạng mặt bằng đóng cửa san sát đã kéo dài hơn 1 năm nay kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện. Tuyến phố trung tâm vốn nổi tiếng với những cửa hàng thời trang hoạt động nhộn nhịp nay đìu hiu.

Một chủ cửa hàng trên tuyến đường này cho biết, trước đây hoạt động kinh doanh thuận lợi phụ thuộc vào lượng du khách trong và ngoài nước tấp nập. Nhưng từ khi dịch bệnh xuất hiện, du khách không còn, đặc biệt là khách quốc tế khiến mua bán chẳng được bao nhiêu. Dù chủ nhà đã giảm mạnh giá thuê so với trước nhưng không cứu vãn nổi, khách thuê phải trả mặt bằng.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills TPHCM cho biết, thị trường đang chuyển sang hướng khách thuê dẫn dắt thị trường, trong khi, chủ nhà đang giảm dần sự lạc quan và đã bắt đầu tiếp nhận việc thương lượng để có thể cho thuê mặt bằng.

Giá thuê tiếp tục lao dốc khi những khảo sát của Savills gần đây cho thấy, để giữ chân khách thuê hiện tại, chủ nhà phải giảm giá thuê; trong khi với các mặt bằng đang chào thuê, chủ nhà phải đối mặt với yêu cầu giảm từ 20% đến 40% giá chào thuê hiện tại.

Thời hạn hợp đồng vẫn duy trì ở mức 3 đến 5 năm, tuy nhiên, khách thuê đề xuất không tăng giá thuê trong suốt thời hạn thuê mặt bằng. Bên cạnh đó, một số chủ nhà cho biết, nếu đợt giãn cách quá dài và mức giảm tiền thuê không được thống nhất bởi hai bên, chủ nhà phố cũng đã nghĩ đến giải pháp tìm kiếm khách thuê mới và ưu tiên cho khách thuê văn phòng, trụ sở công ty vì nhóm khách này ít bị ảnh hưởng hơn so với ngành bán lẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn